Nói về sự chuyển động của địa phương, tôi rất mừng khi đọc những thông tin gần đây về Thủ đô, nơi vẫn được miêu tả với câu cửa miệng chứa đầy sự hoài nghi, châm biếm về sự trì trệ, quan liêu: "Hà Nội không vội được đâu!"

Trong bài phát biểu trước Quốc hội sau lễ tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 7 vừa qua, tôi đặc biệt tâm đắc một số nội dung trong phần đề cập hiện trạng đất nước. Qua đó chúng ta thấy được sự khó khăn bộn bề đang đặt ra mà nhiệm kỳ này người đứng đầu Chính phủ cần vượt qua và muốn vậy, các cấp các ngành, các địa phương phải cùng vào cuộc quyết liệt, đồng bộ.

Như cổ nhân thường nói, "thần thiêng nhờ bộ hạ". Điều này có nghĩa: nếu bộ máy Chính phủ dù có chuyển động bao nhiêu nhưng ở các địa phương mà  không nhúc nhích thì cũng sẽ vô vàn khó khăn.

Tại một cuộc họp cách đây khoảng 2 tháng, cơ quan Văn phòng Chính phủ cũng đã cho chúng ta những con số rất đáng suy nghĩ: Tính chung trong cả nước, từ đầu năm đến 28/11/2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 10.241 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm triển khai, yêu cầu báo cáo và cho ý kiến thực hiện. Trong đó, có 5.860 nhiệm vụ đã hoàn thành; chưa hoàn thành 4.381 nhiệm vụ (trong hạn 4.186 và quá hạn là 195).

Vậy thì cần phải cải cách hành chính sao cho thật thông thoáng và không để bị ùn tắc. Rất không nên"đá quả bóng trách nhiệm" lên cấp trên như trong một cuộc họp cũng dịp đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đề cập.

Nói về sự chuyển động của địa phương, tôi rất mừng khi đọc những thông tin gần đây về Hà Nội, nơi vẫn được miêu tả với câu cửa miệng chứa đầy sự hoài nghi, châm biếm về sự trì trệ, quan liêu: "Hà Nội không vội được đâu!"

{keywords}
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trải nghiệm chuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội. Ảnh: Trần Thường/ VietNamNet

Dường như chỉ với một thời gian ngắn, Hà Nội đang có những chuyển biến tích cực trong một khát vọng muốn vươn lên để trở thành một trong những đầu tàu thực sự của đất nước về các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học công nghệ...

Chẳng hạn, trong khá nhiều vấn đề mà lâu nay bị coi là hạn chế của Hà Nội, thì có lẽ dễ thấy nhất ở thành phố đông dân này là sự yếu thế về năng lực cạnh tranh so với các tỉnh, thành trong cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội với sự chồi sụt rất thất thường trong gần chục năm qua không xứng với tiềm năng và vị trí là "đầu não" của cả nước.

Và chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung đã trăn trở, xem đó như "việc cần làm ngay" để có thể tăng tốc ngay trong năm 2016, năm đầu tiên của một nhiệm kỳ mới. Ông đã giao chỉ tiêu tăng mức tín nhiệm cho các sở ngành của thành phố rất cụ thể tới từng bậc cụ thể một khi đề cập đến mục tiêu chuyển biến PCI để sao đó đến năm 2020 sẽ nằm trong TOP 10 tỉnh thành phố đứng đầu cả nước.

Chủ trì cuộc họp hồi đầu tháng 6/2016, ông đã giao chỉ tiêu phấn đấu cho lãnh đạo 7 sở, ngành của Hà Nội phải chịu trách nhiệm cải thiện, nâng chỉ số PCI của Hà Nội tăng 5 - 7 bậc, thậm chí có sở, ngành phải "cách mạng" hơn để tăng những 7-10 bậc trong năm 2016 (dù khi đó thời gian phấn đấu chỉ còn nửa năm theo tinh thần mới).

Với cách nói và làm rất dứt khoát, với những gì thực tế mà ông Chung đang chỉ đạo, điều hành ở thành phố “không vội được đâu”, nhiều người trông đợi rồi đây, Hà Nội sẽ rất khác trước. Bởi nếu không mạnh mẽ, e rằng Hà Nội cũng có thể bị tụt hậu so với các địa phương khác, dù họ hạn chế, ít thuận lợi hơn về nhiều mặt.

Một số sự vụ khác mà Chủ tịch Hà Nội xử lý cũng cho thấy sự quyết liệt của ông và được dư luận tán đồng.

Chẳng hạn việc các chủ xe khách  đường dài không chấp hành quy hoạch bố trí bến bãi, cộng vào đó, ngành giao thông cũng ngầm "gây khó" lãnh đạo với nhiều lý do đưa ra. Ông Nguyễn Đức Chung đã phải ra tối hậu thư đến lần thứ 2, không chấp nhận lùi bước, dù cho các chủ xe làm căng với chính quyền, lẳng lặng phản ứng ngầm bằng cách ngừng hoạt động vào đúng ngày nghỉ Tết Dương lịch.

Chẳng hạn vấn đề tinh giản biên chế vốn vẫn rất nan giải. Theo báo cáo tại khối các cơ quan trực thuộc UBND TP nói riêng, chỉ tính đến tháng 9/2016, Hà Nội đã hoàn thành việc sắp xếp tại 22/22 sở và tương đương. Sau sắp xếp, thành phố giảm được 46 phòng, ban so với hiện tại (tương đương giảm 22,5%); đã giảm thêm 6 phòng so với Thông tư liên tịch, giảm 26 trưởng phòng và 116 phó trưởng phòng.

Riêng với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, sau rà soát, sắp xếp, cũng giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị, giảm được 121 đơn vị (tương đương 30,2%)... Rất có thể đó chưa phải là con số cuối cùng của năm 2016.

Rồi một nội dung khác, theo tôi cũng là một bước đột phá của Hà Nội khá ấn tượng. Đó là xây dựng chính quyền điện tử vốn gặp nhiều rào cản không nhỏ trước đó mà nếu thiếu sự quyết liệt của chủ tịch thành phố thì quả rất khó thành công. Hà Nội đã cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao 3-4 cho các tổ chức và công dân. Việc đưa công nghệ thông tin áp dụng trong công tác quản lý cũng chính là giúp dân giảm bớt các thủ tục, đỡ mất thời gian trong chờ đợi, đi lại...

Sự chuyển động tích cực của các địa phương, đặc biệt là thành phố - thủ đô Hà Nội, vô cùng quan trọng để thúc đẩy guồng máy đổi mới chung chuyển động. Tinh thần và khát vọng xây dựng một Chính phủ Kiến tạo, Hành động, Liêm chính, hết lòng vì nhân dân phục vụ chỉ có thể thành công khi mà trên dưới đều vào cuộc. Bởi nếu "Thần thiêng" mà "Bộ hạ" không thiêng, thử hỏi sẽ khó khăn thế nào?

Quốc Phong