Kiểm soát chặt việc đấu giá đất

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1767/CĐ-TTg về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua; chỉ đạo của Bộ Xây dựng đánh giá, kiểm soát nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn, UBND TP Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, tránh để xảy ra tình trạng "bong bóng" bất động sản trên địa bàn.

{keywords}
Hà Nội yêu cầu kiểm soát chặt chẽ công tác đấu giá đất, việc định giá đất, công khai các đồ án về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn...

Theo đó, UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì công bố công khai các đồ án về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính... tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng phao tin đồn, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ công tác đấu giá đất, việc định giá đất bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản; tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường; đánh giá tình hình, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là tác động của các trường hợp có kết quả đấu giá cao bất thường, có ý đồ gây biến động lớn về giá để trục lợi...

Sở Tài chính phối hợp Sở TN&MT thực hiện quản lý, kiểm soát việc quản lý giá đất nhằm bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản.

UBND TP giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh thành phố Hà Nội chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát việc cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất, đầu tư các dự án bất động sản bảo đảm đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về cho vay vốn tín dụng..

Gỡ khó nhà ở bình dân

Sở Kế hoạch & Đầu tư phối hợp Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đặc biệt là các dự án bất động sản nhà ở cao cấp để xử lý theo hướng sau: Đối với các dự án bất động sản nhà ở trung, cao cấp đang tồn kho hoặc chủ đầu tư có nhu cầu điều chỉnh quy mô căn hộ sang phân khúc bình dân thì cần giải quyết ngay thủ tục cho phép chuyển đổi; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại đối với các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở phân khúc bình dân, giá thấp đang gặp khó khăn trên phạm vi địa bàn...

{keywords}
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về đầu tư kinh doanh, môi giới bất động sản

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến thị trường, thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến và "bong bóng" bất động sản trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thu thập các thông tin liên quan đến nhà ở và thị trường bất động sản; định kỳ công bố thông tin, dữ liệu cơ bản về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định.

Đồng thời, Sở Xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về đầu tư kinh doanh, môi giới bất động sản; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn, tạo hiệu ứng đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường; xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất chưa đủ điều kiện tham gia thị trường bất động sản...

Có thể thấy, thị trường bất động sản trong năm qua bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá nhà ở ở hầu hết các phân khúc tại các địa phương đều liên tục tăng, có những khu vực còn xảy ra hiện tượng tăng “nóng”. Trong đó, nhiều quy hoạch đã tác động đến thị trường bất động sản.

Ở nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Thậm chí, lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm…

Việc “thổi giá” ăn theo quy hoạch xuất hiện ngày càng nhiều. Tại Hà Nội, sau khi thành phố dự kiến ban hành quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6/2021, ở Đông Anh, nhiều khu đất trước kia có giá dưới 20 triệu đồng/m2 được rao bán lên 50-60 triệu đồng/m2. Thậm chí, nhân viên môi giới còn cho biết có thể bán "ăn" chênh lệch 5-8 triệu/m2 chỉ qua một ngày...

Theo chuyên gia bất động sản, việc khó khăn trong tiếp cận các thông tin về quy hoạch đang vô tình tạo điều kiện cho cá nhân, nhóm lợi ích lợi dụng quy hoạch để đầu cơ, thổi giá bất động sản nhằm kiếm lời.

KTS. Phạm Thanh Tùng cho rằng, để ngăn chặn sốt đất, việc công khai quy hoạch cần được họp báo và thực hiệm một cách nghiêm túc để định hướng thông tin cho người dân. Bên cạnh đó, theo ông Tùng người dân cũng cần hiểu đúng về quy hoạch, phải từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, đến lúc đó mới được mời nhà đầu tư vào.

Thuận Phong 

Cận Tết đất sốt ‘điên cuồng’, giật mình giá tạm tính 1m2 căn hộ ở Thủ Thiêm

Cận Tết đất sốt ‘điên cuồng’, giật mình giá tạm tính 1m2 căn hộ ở Thủ Thiêm

Tại Hà Nội hay TP.HCM trong khi những căn hộ thương mại dưới 30 triệu đồng/m2 dần “mất hút” trên thị trường thì những căn hộ triệu USD, những biệt thự trăm tỷ ngày càng phổ biến và có xu hướng tiếp tục vọt giá tăng chóng mặt.