Thông tin măng tươi được ngâm tẩm hóa chất trong thời gian vừa qua đang khiến dư luận hết sức hoang mang. Nhiều người “nghiền” măng cũng nói “không” với các loại măng ngâm nước để đảm bảo an toàn sức khỏe của bản thân.

Người tiêu dùng sợ, tiểu thương “khóc ròng”

Theo đúng quy trình, măng tươi sau khi thu hoạch sẽ được luộc kỹ qua nhiều lần nước, lửa phải đều và ngâm khoảng 2 ngày thì mới mềm, ngon, ngọt và hết đắng. Để giảm chi phí, nhiều người buôn măng đã sử dụng một loại hóa chất giúp măng ngon, giòn mềm. Loại hóa chất này còn có tính năng làm trắng, biến măng thâm đen, cũ mốc thành măng trắng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Muốn măng càng trắng và mềm thì bỏ nhiều hóa chất hơn.

Tại chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy) không khó để bắt gặp các loại măng tươi được bày bán trong các hàng bán rau. Các loại măng này được ngâm trong chậu nhựa, phần lớn đều có màu vàng đẹp mắt, vỏ ngoài láng mịn, khi bẻ rất dễ gẫy vì có độ giòn cao. Theo quan sát của PV lượng người hỏi mua măng tại các cửa hàng trong chợ rất ít, sức tiêu thụ chậm. Chị Nhàn, một chủ hàng bán rau tại chợ đầu mối Dịch Vọng cho biết: “Từ khi có thông tin măng được ngâm tẩm hóa chất tạo màu mặt hàng này ế ẩm lắm. Những khách quen tại cửa hàng trước vẫn thường xuyên mua măng giờ cũng nghi ngại nên không mua nữa”.

{keywords}

Hàng măng của một tiểu thương tại chợ Dịch Vọng còn tồn lại khá nhiều vì ít người mua. Ảnh: K.Hải

Măng tươi ế khách là do tâm lý cảnh giác, nghi ngại của người tiêu dùng trước thông tin măng được tẩy trắng, tẩm hóa chất tạo màu. Khi được hỏi rất nhiều người dân cho biết họ đã được nghe thông tin măng nhiễm chất vàng ô (một chất độc hại được sử dụng trong công nghiệp) từ các phương tiện thông tin đại chúng. Chị Hạnh (Mỹ Đình – Từ Liêm) cho hay: “Kể từ khi nghe được thông tin măng nhiễm hóa chất tôi đã ngừng sử dụng loại thực phẩm này để đảm bảo sức khỏe cho gia đình. Tôi cũng đã cảnh báo cho cả anh em bạn bè được biết để cảnh giác hơn trong việc chọn lựa thực phẩm”.

Ngưng sử dụng măng tươi cũng là giải pháp được chị Phượng (Cầu Giấy) áp dụng khi có thông tin măng được ngâm tẩm hóa chất: “Măng là món ưa thích của gia đình tôi nên nghe được thông tin này tôi khá lo lắng. Tôi có tìm hiểu cách phân biệt măng tươi và măng có tẩm hóa chất tuy nhiên việc này khá khó và không thể chính xác tuyệt đối. Để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà tôi quyết định sẽ không dùng măng tươi ở chợ nữa, thay vào đó sẽ sử dụng măng được đóng gói sẵn trong siêu thị, sản phẩm này có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như hạn sử dụng phần nào làm tôi yên tâm hơn”.

Các quán ăn ngừng sử dụng măng tươi

Không chỉ các bà nội trợ cảnh giác với măng tươi, tại các quán ăn măng tươi cũng không còn được sử dụng nhiều như trước. Anh Việt chủ một cửa hàng cơm văn phòng trên đường Mễ Trì Thượng cho biết: “Thông thường trong tuần sẽ có từ 1 - 2 ngày tôi sử dụng món măng cho thực đơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây khách hàng đến ăn đều không lựa chọn món ăn này do nghi ngại trước thông tin măng tẩm hóa chất. Vì thế, tôi tạm thời loại món này ra khỏi thực đơn của cửa hàng và lựa chọn loại thực phẩm khác để thay thế”.

Anh Việt còn thông tin thêm, có khá nhiều cửa hàng ăn vẫn sử dụng loại măng tươi được bày bán tại các chợ thực phẩm. Loại măng này thường không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh và có thể gây hại cho sức khỏe của người sử dụng. Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân người tiêu dùng nên sáng suốt khi lựa chọn sử dụng loại thực phẩm này.

Chị Phượng, một chủ quán cơm bình dân trên đường Dịch Vọng (Cầu Giấy) cũng cho biết: “Khách đến ăn cơm dạo gần đây đều không lựa chọn các món ăn làm từ măng, hết ngày rồi mà các món có măng vẫn gần như còn nguyên. Tôi đoán là do thông tin măng tẩm hóa chất thời gian gần đây làm cho khách hàng hoang mang và cẩn trọng hơn. Đến cả tuần nay tôi không còn sử dụng măng tươi để chế biến các món ăn nữa, nếu cần thiết thì dùng măng khô để thay thế.”

Một số chủ quán cơm được hỏi còn cho biết, thời gian này lượng khách hàng vào ăn cơm chọn món ăn làm từ măng rất ít, hoặc gần như không có. Cũng có khách hàng chọn ăn sau khi đã hỏi rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như cách chế biến của quán. Tình hình này thường xuyên xảy ra trong những ngày gần đây nên hầu hết các quán cơm đều ngưng sử dụng các món măng trong thực đơn.

Đối với măng ngâm nước bán ngoài chợ, người tiêu dùng cũng nên thận trọng với những loại măng trắng, mềm vì rất có thể măng đã được bảo quản bằng hóa chất. Nếu mua về sử dụng thì tốt nhất nên luộc lại nhiều lần.

Nhận diện măng ngâm hóa chất

Vàng ô (Auramine O) thường dùng để nhuộm màu sợi vải, làm nguyên liệu sơn quét tường, có tính độc tới mức Tổ chức Ung thư thế giới (IARC) đã xếp vào chất gây ung thư nhóm 3 - có thể gây bệnh cao, ở Việt Nam cũng không được phép dùng cho thực phẩm. Măng không ngâm hóa chất thường có màu sậm, mùi ngái đặc trưng, dùng tay bấm vào măng không mủn. Măng ngâm hóa chất là măng có màu trắng nhợt nhạt hoặc vàng sẫm do được ngâm với bột màu. Măng ngâm hóa chất nhìn đẹp mắt, vị ngọt, ngon và giòn hơn măng tự nhiên.

Bắc Giang phát hiện 22 tấn măng tẩm hóa chất độc hại

Mới đây (ngày 14/4), Công an huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đã phát hiện số lượng lớn măng tươi đang được ủ đốt bằng hóa chất tại khu vực Nà Đình, thôn Nà Trắng, xã An Lạc. Theo đó, Tổ công tác phát hiện tại khu đất trống có 654 bao măng đã được xử lý bằng hóa chất; 5.000kg măng tươi được ủ bạt kín có khói màu trắng bốc ra mùi hôi, tanh của hóa chất; 180kg hóa chất dạng cục bột màu vàng không có nhãn hiệu bao bì, nguồn gốc xuất xứ. Toàn bộ số măng tươi bị phát hiện có khối lượng gần 22 tấn được các đối tượng thu mua của người dân, sau đó dùng hóa chất đun ủ, bảo quản để bán ra thị trường. Qua kiểm tra, xét nghiệm cho thấy số măng này có tẩm hóa chất lưu huỳnh có hàm lượng trên 90%.

(Theo GĐ&XH)