giam-sat-giao-thong.jpg
Hệ thống giám sát giao thông thông minh tại nút giao phố Phạm Văn Bạch - Hoàng Quán Chi (quận Cầu Giấy). Ảnh: Phùng Anh

Nhiều lợi thế để ứng dụng AI

Ở quy mô quốc gia, việc ứng dụng công nghệ AI tại các cơ quan nhà nước, mà phổ biến là “trợ lý ảo” (tích hợp vào nhiều thiết bị nền tảng) và “chatbot” (hoạt động trên một nền tảng trò chuyện cụ thể) để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngày càng được coi trọng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt hàng các doanh nghiệp xây dựng 4 trợ lý ảo phục vụ người dân Việt Nam là: Trợ lý ảo lập pháp (phát hiện những mâu thuẫn khi làm văn bản pháp luật); hành pháp (hỗ trợ bộ máy cán bộ, công chức); tư pháp (giảm bớt công việc cho các thẩm phán); pháp lý (hỗ trợ tư pháp cho người dân). Việc đưa các trợ lý ảo này hoạt động đang kỳ vọng làm thay đổi căn bản cách làm việc, để mỗi người dân, cán bộ, công chức, viên chức có một trợ lý riêng.

Trong giai đoạn dịch Covid-19, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu ứng dụng AI để hỗ trợ công tác phòng chống dịch, như: Ứng dụng trợ lý ảo thực hiện hàng triệu cuộc gọi tới người dân tuyên truyền phòng, chống dịch, chính sách an sinh xã hội, đem lại hiệu quả cao. Hay gần đây, một số địa phương mà tiêu biểu là quận Cầu Giấy, đã ứng dụng AI chatbot để hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Theo Giáo sư Hồ Tú Bảo (Viện Toán cao cấp), chuyên gia trong lĩnh vực AI, Hà Nội có lợi thế về ứng dụng AI. Thành phố đã kết nối được với các cơ sở dữ liệu quốc gia, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không chỉ giúp làm giàu dữ liệu dân cư mà còn đáp ứng yêu cầu “đúng - đủ - sạch - sống”.

"Để việc ứng dụng của AI thực sự có ích, Hà Nội phải đặt chúng vào hệ sinh thái chuyển đổi số gắn liền với các chương trình quốc gia. Thành phố nên ứng dụng công nghệ AI tạo sinh để tối ưu hóa đèn giao thông, dự đoán lưu lượng giao thông và cung cấp thông tin thời gian thực, giúp giảm ùn tắc và tai nạn", Giáo sư Hồ Tú Bảo nói thêm.

Giáo sư Nguyễn Lê Minh, chuyên gia trong lĩnh vực AI cũng đề xuất Hà Nội ứng dụng AI trong việc cảnh báo phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, hằng ngày vào lúc 21h, thành phố gửi tin nhắn cảnh báo phòng cháy, chữa cháy cho các hộ dân, đặc biệt là hộ kinh doanh để người dân ý thức tự kiểm tra và qua đó nâng cao ý thức. Đồng thời, với đặc điểm Hà Nội có nhiều ngõ hẹp, mật độ dân cư cao, cần lập bản đồ thông tin phòng cháy, chữa cháy, lắp cảm biến cảnh báo…

Cụ thể hóa các giải pháp

Là một siêu đô thị, Hà Nội có nhu cầu lớn về lắp đặt camera giám sát với 36 đơn vị có nhu cầu lắp đặt phục vụ giám sát an ninh trật tự, môi trường, an toàn giao thông. Làm thế nào để có thể có giải pháp hiệu quả phù hợp là một thách thức không nhỏ.

Với vai trò là nhà cung cấp viễn thông - công nghệ lớn, Công ty Công nghệ MobiFone toàn cầu (thuộc Tổng công ty Viễn thông MobiFone) đã giới thiệu nền tảng mCentralized - quản lý camera tập trung thông minh giúp kết nối trên 99% dòng camera khác nhau với công nghệ AI phân tích hình ảnh chính xác và bảo mật.

Đặc biệt, việc tích hợp AI giúp nhận diện khuôn mặt, biển số xe, phát hiện hành vi, cảnh báo cháy nổ chính xác đến 99% với thời gian dưới 0,3 và 0,2 giây. Giải pháp hoàn toàn do đội ngũ kỹ sư MobiFone làm chủ và bảo đảm an toàn bảo mật, dễ dàng nâng cấp mở rộng có thể đáp ứng nhu cầu của các cơ quan nhà nước thành phố.

Tương tự, giải pháp camera AI của Công ty cổ phần Bkav cũng nhấn mạnh tới tính năng giám sát tài sản 24/7, nếu có kẻ gian đột nhập, với tính năng AI, camera phát hiện và gửi thông báo trên app của điện thoại di động người dùng, đồng thời tự động bật đèn, còi cảnh báo ngay tại chỗ…

Giới thiệu về nền tảng trợ lý ảo, đại diện Công ty cổ phần Misa cho biết, trợ lý ảo được thiết kế để trả lời các câu hỏi, cung cấp thông tin hoặc hỗ trợ người dùng trong nhiều tác vụ khác nhau. Trợ lý ảo cho phép xây dựng kho tri thức chuyên ngành theo nhu cầu của từng cơ quan, đơn vị; tự động trả lời về chuyên ngành cho người dùng mọi lúc, mọi nơi....

Bên cạnh các giải pháp công nghệ, thì các chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội nên tổ chức các khóa học để cán bộ, công chức, viên chức hiểu về AI, qua đó nâng cao năng lực số, năng lực AI bản thân.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng, thành phố đã ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 8-2-2024 về chuyển đổi số, xây dựng Hà Nội thông minh, trong đó có các nhiệm vụ về phát triển dữ liệu số; xây dựng, phát triển các ứng dụng chuyên ngành, như AI. Hà Nội rất cần sự trợ giúp của công nghệ và AI đồng thời đang hoạch định chiến lược dài hạn về áp dụng AI trong công tác quản lý nhà nước, cũng như các ứng dụng nhanh hỗ trợ cho công chức.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ sớm tham mưu với UBND thành phố xây dựng hội đồng tư vấn về ứng dụng AI, từ đó có những bước đi cơ bản lâu dài, cũng như những hành động nhanh, kịp thời, có thể mang lại lợi ích ngay lập tức cho người dân Thủ đô.

 Theo Việt Nga (Báo Hà nội mới)