Thông tin được ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) chia sẻ tại hội thảo mới đây về dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). 

“Ba năm vừa qua, Hà Nội mới có một dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện mở bán nên người dân thi nhau nộp hồ sơ. Điều này cho thấy, nhu cầu thực về nhà ở rất cao”, ông Khởi nói.

Tháng 3/2023, Sở Xây dựng Hà Nội thông báo, tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn. Giá bán được công bố là 19,5 triệu đồng/m2, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng VAT.

Để có thể sở hữu căn hộ chung cư có diện tích nhỏ nhất là 69,9m2, người dân phải bỏ số tiền khoảng 1,4 tỷ đồng. Đây là mức giá nhà ở xã hội được phê duyệt cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội. 

Anh H.Sơn (Hà Đông, Hà Nội) thực sự choáng ngợp khi biết đã có hàng nghìn hồ sơ nộp. Anh cho hay: “Chờ đợi suốt 3 năm mới có một dự án nhà ở xã hội để nộp hồ sơ. Dự án chỉ có hơn 200 căn mà hồ sơ lên tới con số hàng nghìn. Với tỷ lệ chọi lớn như vậy, nhiều người sẽ không được chọn. Trong khi, không biết bao giờ Hà Nội mới có dự án tiếp theo được mở bán”. 

Để đảm bảo việc thu hồ sơ mua nhà, chủ đầu tư thực hiện phát số thứ tự nộp cho khách hàng. Mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30-40 bộ hồ sơ. Thông báo dán tại cửa văn phòng công ty ghi rõ thời gian, ngày nộp từ 28/3 đến 11/5.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ, từ 4 đến 5 giờ sáng, hàng chục người dân ngồi xếp hàng chờ lấy số vào nộp hồ sơ. 

Từ sức nóng về nhu cầu mua nhà ở xã hội, trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin rao bán suất mua hay nhận tư vấn, làm dịch vụ để có suất mua căn hộ. Không khó để tìm thấy tại một số nhóm trên mạng xã hội. Nhiều môi giới quảng cáo có suất ngoại giao tại dự án nhà ở xã hội Trung Văn, với chênh lên tới vài trăm triệu đồng/căn.

Trong khi đó, nhiều dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội như Thượng Thanh (Long Biên), Hạ Đình (Thanh Xuân)… vẫn chưa có thông tin chính thức nhận hồ sơ mua bán.

Người dân xếp hàng chờ nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội (Ảnh: Hồng Khanh)

Cảnh báo trục lợi, nhiễu loạn thị trường 

Còn tại Quảng Ninh, dự án khu nhà ở xã hội thuộc khu dân cư Đồi Ngân hàng, (phường Hồng Hải và phường Cao Thắng, TP Hạ Long) cũng được nhiều người dân quan tâm.

PV VietNamNet liên hệ điện thoại với một môi giới. Người này cho biết, khách hàng có thể mất khoản phí từ 50 – 70 triệu đồng/căn. Nếu khách hàng đồng ý, ban đầu sẽ đặt cọc 20 triệu đồng. Trường hợp khách hàng không mua được căn hộ sẽ được hoàn trả lại tiền.

Trước những thông tin gây nhiễu loạn thị trường, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản cảnh báo. Trên mạng xã hội xuất hiện một số tài khoản (Bất Động sản TH Land, Đồi Ngân hàng, NƠXH Đồi Ngân Hàng Ghomes Hạ Long…) đăng tải bài viết về việc tư vấn, hỗ trợ làm thủ tục mua nhà ở xã hội và thu phí dịch vụ của khách hàng. Đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ mua được nhà ở xã hội tại dự án nhà ở xã hội thuộc khu dân cư Đồi Ngân Hàng…

Cơ quan quan này khẳng định, các tài khoản mạng xã hội trên không phải chủ đầu tư. Những không tin từ các tài khoản này có yếu tố mạo danh, gây nhiễu loạn thị trường, gây mất an ninh trật tự, có yếu tố trục lợi…

“Chủ đầu tư không ủy quyền cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê căn hộ tại dự án”, văn bản nêu rõ. 

Lãnh đạo Sở cũng cho biết, hiện dự án chưa đủ điều kiện để bán, cho thuê. Người dân cần cảnh giác trước các thông tin nhiễu loạn trên mạng xã hội liên quan đến dự án trên.

Theo Bộ Xây dựng, năm 2022, nguồn cung bất động sản, nhà ở đặc biệt là nhà ở dành cho người thu nhập thấp vẫn hạn chế.

Tại Hà Nội, giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành 25 dự án với hơn 1,2 triệu m2 sàn. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng mục tiêu khi chỉ đạt 20,2% so với kế hoạch.