Bộ GD-ĐT đã công bố ở lớp 2 sẽ chỉ còn 3 bộ SGK được phê duyệt, gồm 2 bộ của NXB Giáo dục Việt Nam (Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo) và 1 bộ sách của Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM và NXB ĐH Sư phạm Hà Nội (Cánh diều).
Về vấn đề này, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cũng thừa nhận, khác với lớp 1, từ lớp 2 trở lên, đơn vị sẽ chỉ phát hành 2 bộ sách.
Cụ thể, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống được hợp nhất từ bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Cùng học để phát triển năng lực. Bộ Chân trời sáng tạo được hợp nhất từ bộ Chân trời sáng tạo và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.
Không ít học sinh lớp 2 năm học 2021-2022 sẽ không được tiếp tục học theo bộ SGK các em đã học ở lớp 1 |
Không có sự 'hợp nhất' đúng nghĩa?
Tuy nhiên, PGS.TS Phan Doãn Thoại, Chủ biên môn Toán bộ SGK Cùng học để phát triển năng lực thì cho rằng, việc “hợp nhất” bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” với bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” chỉ là cách nói, còn về bản chất không phải vậy. Bởi theo ông, quan điểm biên soạn của 2 bộ sách là quá khác biệt và hơn nữa thời gian lại quá gấp gáp để có được sự “hợp nhất” đúng nghĩa.
“Tôi nghĩ sẽ khó bởi mỗi bộ sách có một triết lý, cấu trúc, cách đặt vấn đề riêng. Mặc dù các bộ sách sẽ đều thể hiện tinh thần chung của chương trình nhưng mỗi nhóm tác giả sẽ có một quan điểm về tiến trình dạy học”, ông Thoại nói.
PGS.TS Phan Doãn Thoại cũng cho rằng, với việc bị “hợp nhất”, những trường học từng chọn bộ sách Cùng học để phát triển năng lực chắc chắn ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi trước đó đã theo tinh thần của bộ sách.
“Khi làm một bộ sách, các tác giả sẽ không chỉ tính cho từng lớp, hay từng môn mà được thiết kế một cách tổng thể. Cùng là thực hiện một chương trình đó, nhưng việc tích hợp trong các sách sẽ khác nhau giữa các bộ sách. Ví dụ, với sách lớp 1, trong giai đoạn đầu, môn học nào giúp học sinh thể hiện được năng lực nào đó cần ưu tiên trước thì được ưu tiên. Nhưng có thể trong giai đoạn đó, sách giáo khoa của bộ khác chưa ưu tiên cái đó”, ông Thoại nói.
Theo ông Thoại, sau “hợp nhất”, các môn học chính như Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên-Xã hội… thực chất là của bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Chỉ có Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất là lấy một phần của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”.
Ông Thoại cho hay, trước đó, sau khi đã hoàn thành xong bộ SGK “Cùng học để phát triển năng lực” lớp 1, công ty đầu tư bộ sách và nhóm tác giả đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng để viết, biên tập, chế bản các bộ sách lớp 2 và lớp 6. Nhóm tác giả cũng đã được chọn cẩn thận, kỹ lưỡng và được tập huấn, bồi dưỡng rất chỉn chu để có thể viết sách theo đúng tinh thần mới.
“Thậm chí bản thảo SGK lớp 2 và lớp 6 đã hoàn thành và đã được thẩm định nội bộ, đánh giá chung rất tốt” - ông Thoại bày tỏ sự tiếc nuối.
Chia sẻ với VietNamNet, một số giáo viên lớp 1 đang dạy học theo bộ SGK Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục không khỏi băn khoăn.
Một cô giáo ở Lạng Sơn cho biết năm trước cô đã được tập huấn kỹ để dạy theo sách Cùng học để phát triển năng lực.
“Năm nay, nếu SGK này không còn nữa, chúng tôi sẽ phải chọn sách mới khi vừa làm quen được với sách cũ. Chúng tôi có đi tập huấn nữa không? Các em học sinh lớp 2 sẽ tiếp nhận kiến thức như thế nào khi các ngữ liệu của SGK không có sự liền mạch?” - cô giáo đặt câu hỏi.
Một giáo viên dạy lớp 1 tại Trường Tiểu học Dân Tiến (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) cũng băn khoăn liệu mạch bố trí kiến thức có bị lệch.
“Ví dụ, ở lớp 1, học sinh học sách Cùng học để phát triển năng lực, tới đây lên lớp 2 không có bộ sách này nữa thì chuyển qua học sách nào? Rồi sách lớp 1 của hai bộ sách bị "xóa sổ" này năm sau liệu có được dùng nữa hay không?” - cô giáo này thắc mắc.
"Không vấn đề gì"
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh nhận định, việc NXB Giáo dục Việt Nam hợp nhất các bộ SGK về cơ bản không ảnh hưởng tới việc dạy học trong năm học tới.
“Các NXB sẽ phải phối hợp chặt chẽ với Sở để tập huấn cho giáo viên về nội dung, phương pháp giảng dạy" - ông Quốc Anh nói.
Cùng quan điểm với ông Quốc Anh, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang cũng cho rằng sẽ không có vấn đề gì.
“SGK nào cũng bám theo Chương trình Giáo dục phổ thông, cùng chung mục tiêu nên dù có sự thay đổi cũng không khó khăn gì” - bà Diễm khẳng định.
Điều quan trọng là có đội ngũ giáo viên vững về khoa học giáo dục, tâm huyết với nghề, yêu thương học sinh |
Cô Trần Thị Kim Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương (Đà Nẵng) cũng chung nhận định.
"Một chương trình nhiều bộ SGK nên dùng sách nào cũng có thể tiếp nối nhau được. Việc “biến mất” một vài bộ sách không ảnh hưởng gì đến hoạt động dạy và học" - cô Hạnh nói.
Lý giải cho nhận định này, cô Hạnh cho rằng lần này, việc biên soạn SGK đã đi đúng quy trình: xây dựng Chương trình Giáo dục phổ thông từ lớp 1-12 với những yêu cầu cần đạt cụ thể cho từng môn học ở từng lớp, cũng như yêu cần cần đạt cụ thể cho 3 năng lực chung và 5 phẩm chất ở từng lớp, rồi mới biên soạn SGK.
“Như vậy, dù quan điểm, triết lý của mỗi nhóm tác giả có thể khác nhau, nhưng vẫn phải hướng đến mục tiêu là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực ở mỗi bậc học, lớp học, môn học.
Về phương pháp, vẫn phải sử dụng những phương pháp dạy học tích cực.
Về thiết kế bài học, vẫn phải theo chu trình học tập của David Kolb, theo thuyết vùng phát triển gần của Vygotxki, thuyết dạy học kiến tạo của Piaget - có nghĩa là phải dựa trên khoa học giáo dục.
Vấn đề còn lại, mà theo cô Hạnh là rất quan trọng, đó là đào tạo đội ngũ giáo viên vững về khoa học giáo dục, có khả năng vận dụng vào giảng dạy, giáo dục, và tâm huyết với nghề, yêu thương học sinh.
Nếu có đội ngũ như vậy, sách nào cũng không quan trọng nữa “mà có khi, giáo viên tự xây dựng tài liệu giảng dạy và hệ thống bài tập cho học sinh luôn”...
Ngân Anh - Mai Ngọc
Bộ GD-ĐT: Nói chương trình SGK lớp 1 nặng là chưa đủ căn cứ
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho hay, hiện có một số phụ huynh chia sẻ trên một số diễn đàn, mạng xã hội cho rằng nội dung chương trình lớp 1 mới hơi nặng. Tuy nhiên, nhận định này chưa đủ căn cứ xác đáng.
Nhà xuất bản nói gì về 2 bộ sách giáo khoa 'biến mất'?
Hai bộ sách giáo khoa sẽ không còn được phát hành ở lớp 2 là: Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, đều của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.