Gian hàng Ngôi nhà Việt Nam
Ông Nguyễn Duy Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (VinaNutriFood) cho hay, năm 2021, VinaNutriFood đã cho ra mắt chuỗi siêu thị NutriMart, không ngừng phấn đấu trở thành một đại diện Việt Nam đưa sản phẩm Việt ra thế giới.
Năm 2023, VinaNutriFood được Chính phủ Trung Quốc lựa chọn là đơn vị vận hành và quản lý Gian hàng Vietnam House (Ngôi nhà Việt Nam) trong Đề án China – Asean. Chuỗi nhà Asean sẽ có mặt tại 20 tỉnh/thành trên đất nước Trung Quốc. VinaNutriFood là đơn vị duy nhất của Việt Nam phụ trách sàng lọc hàng hóa uy tín chất lượng tại Việt Nam để trưng bày và thương mại tại Ngôi nhà Việt Nam trong Ngôi nhà Asean.
“Chúng tôi rất tự hào khi giới thiệu sản phẩm sản xuất trong nước ra quốc tế để hàng Việt Nam ngày càng nâng cao năng lực canh tranh, chiếm lĩnh thị phần và lấy lại tầm vóc cho hàng Việt Nam trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt với thị trường Trung Quốc. Chúng tôi rất mong kết nối được với các hợp tác xã, chủ thể OCOP có sản phẩm uy tín, chất lượng để có thể xuất khẩu chính ngạch sản phẩm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Gian hàng Ngôi nhà Việt Nam đang tuyển chọn các dòng sản phẩm OCOP, đặc sản, nông sản uy tín, chất lượng cao từ 63 tỉnh/thành phố tại Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm có nhà máy đủ công suất xuất khẩu và đáp ứng các tiêu chuẩn như HACCP, ISO, FDA…
Cùng với đó, “VinaNutriFood đang triển khai dự án nhà máy 10ha tại Bình Định, có nhu cầu thu mua, kết nối các sản phẩm như cá ngừ chế biến, cá biển đóng hộp, tôm biển, cua ghẹ, cá tra chế biến, tôm khô và rất nhiều đặc sản khác để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc có thể liên hệ chúng tôi”, ông Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Dự án Đưa nông sản Việt lên các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc
Bà Lê Thu Lụa, Trưởng đại diện Tập đoàn Sunwah tại Hà Nội, thời gian qua, Tập đoàn Sunwah đã hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập vào các tỉnh/thành của Trung Quốc thông qua một loạt hoạt động xúc tiến thương mại.
Với việc xây dựng kho ngoại quan tại thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Sunwah GelaFood (công ty con của Tập đoàn Sunwah) đã trở thành “cánh tay đắc lực” trong việc xúc tiến thương mại nông sản Việt từ khu vực Hà Nam đi các tỉnh/thành của Trung Quốc.
Tháng 7 vừa qua, Sunwah Gelafoof đã hợp tác với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai Dự án Đưa hàng nông sản Việt Nam lên các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc.
“Sunwah GelaFood sẽ hợp tác với các sàn thương mại điện tử nổi tiếng để xây dựng gian hàng nông sản Việt Nam và đưa nông sản Việt lên các sàn thương mại điện tử này. Sunwah Gelafood sẽ đóng vai trò đơn vị vận hành phục vụ hỗ trợ để đảm bảo nhà bán Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc thay vì phải tự mày mò, tìm hiểu, nắm bắt xu hướng thị trường cũng như thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc”, bà Lụa thông tin.
Muốn gia nhập thị trường thương mại điện tử Trung Quốc, sản phẩm OCOP và nông sản Việt Nam cần phải đáp ứng một số tiêu chí như: Đảm bảo yêu cầu chất lượng, tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam và Trung Quốc; Phải có thương hiệu đã được đăng ký tại Việt Nam, ưu tiên doanh nghiệp hoạt động ổn định từ 3 năm trở lên; Nằm trong danh mục đã được Hải quan Trung Quốc chấp nhận, chẳng hạt cà phê, cà phê hòa tan, hạt đã qua chế biến, sản phẩm…
Sunwah Gelafood sẵn sàng đồng hành cùng các chủ thể OCOP thông qua nhiều hoạt động cụ thể. Chẳng hạn như tư vấn chuyên sâu về khả năng cạnh tranh của sản phẩm. “Nhiều nhà bán đã tiếp cận và thông qua Sunwah Gelafood để xem sản phẩm có thực sự phù hợp thị trường Trung Quốc hay không. Chúng tôi đã tư vấn miễn phí, giúp họ tăng khả năng gia nhập thị trường thương mại điện tử Trung Quốc”, bà Lụa kể.
Bên cạnh đó, Sunwah Gelafood còn hỗ trợ tư vấn phương án marketing hiệu quả để đưa thương hiệu Việt Nam đến với người tiêu dùng Trung Quốc, khắc phục trở ngại ngôn ngữ, đáp ứng đúng thị hiếu người tiêu dùng. Mỗi sản phẩm như gạo, tổ yến, hạt… đều có phương án phù hợp, từ livestream đến shot video hay KOLs….
Một trong những trở ngại lớn nhất của hàng nông sản khi thâm nhập thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường khác là khâu bao bì, đóng gói không phù hợp thị hiếu. Sunwah Gelafood sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện từ khâu bao bì, đóng gói, quy cách của sản phẩm, qua đó tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Ngoài ra, các chủ thể OCOP còn được Sunwah Gelafood hỗ trợ đăng ký thương hiệu, hỗ trợ khâu vận chuyển, chăm sóc khách hàng, theo dõi đơn hàng…, giảm thiểu tối đa chi phí khi thâm nhập thị trường Trung Quốc.
“Các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon sẽ yêu cầu đăng ký các gói dịch vụ kinh doanh hoặc cam kết lâu dài. Song với mô hình gian hàng thương mại nông sản ở thị trường Trung Quốc, hiểu rõ khó khăn của doanh nghiệp khi mới bắt đầu tìm hiểu về thương mại điện tử xuyên biên giới, chúng tôi đề xuất giai đoạn đầu nhà bán có thể ký hợp đồng chạy thử 10 đơn hàng đầu tiên để thương lượng các điều khoản”, bà Lụa cung cấp thêm thông tin về sự đồng hành của doanh nghiệp mình với các chủ thể OCOP muốn đưa sản phẩm Việt sang thị trường Trung Quốc.