Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, tỉnh Bình Phước đã có gần 100 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao và 4 sao. Các sản phẩm OCOP của Bình Phước chủ yếu là những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương như sản phẩm từ hạt điều, hạt tiêu, mít…

Cấp Giấy chứng nhận 15 sản phẩm OCOP hạng 4 sao thuộc Chương trình OCOP năm 2023

UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành quyết định về việc công nhận kết quả chấm điểm, phân hạng và cấp giấy chứng nhận Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) năm 2023 tỉnh Bình Phước.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã công nhận kết quả chấm điểm, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận 15 sản phẩm OCOP hạng 4 sao thuộc Chương trình OCOP năm 2023.

W-hatdieu-1.png
“Hạt điều rang muối”, “Hạt điều nguyên vị” và “Hạt điều nhân trắng” là những sản phẩm đặc trưng của “thủ phủ” điều Bình Phước vừa được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp Trung ương năm 2023 công nhận “OCOP 5 sao”.

Các sản phẩm từ hạt điều Bình Phước được công nhận OCOP 4 sao năm 2023 gồm: Hạt điều rang muối (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đất Đỏ Bình Phước); Hạt điều rang muối (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Khánh Sâm, địa chỉ tại huyện Bù Gia Mập); sản phẩm hạt điều rang muối (Công ty Green Lotus, địa chỉ huyện Bù Đăng); hạt điều rang muối; hạt điều rang muối vỏ lụa; kẹo hạt điều (Công ty Mỹ Lệ, địa chỉ huyện Phú Riềng).

Sản phẩm kẹo hạt điều; kẹo hạt điều gừng; hạt điều rang muối; hạt điều rang nguyên vị; hạt điều lụa (Công ty cổ phần Hà Mỵ, địa chỉ huyện Đồng Phú).

Bên cạnh đó, có 5 sản phẩm khác được chứng nhận OCOP 4 sao năm 2023 gồm: Cà phê bột Robusta; cà phê hạt Robusta (Công ty cổ phần Hà Mỵ, địa chỉ huyện Đồng Phú).

Bưởi da xanh (Hợp tác xã Đa Kia, địa chỉ huyện Bù Gia Mập); sản phẩm yến sào (Nhà yến Bốn Xê, địa chỉ thôn 3, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng); bưởi cam (Công ty Thái Hòa Phát Bình Phước, địa chỉ huyện Đồng Phú).

Theo quyết định của UBND tỉnh Bình Phước, kết quả chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao năm 2023 có giá trị trong 3 năm, kể từ ngày quyết định được ký ban hành.

Chương trình OCOP góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Theo Kế hoạch số 127/UBND-KH về thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn vừa được UBND tỉnh Bình Phước ban hành, việc triển khai chương trình OCOP nhằm góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, làng nghề và dịch vụ nông thôn.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững; khẳng định sản phẩm có thương hiệu, có uy tín để tham gia mở rộng phát triển thị trường, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, OCOP là chương trình trọng tâm của tỉnh phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025.

Đây là yêu cầu đặt ra tại Kế hoạch số 127/UBND-KH về thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn vừa được UBND tỉnh Bình Phước ban hành.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, đây là chương trình trọng tâm của tỉnh phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025.

Phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn phải xây dựng thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.

UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương phát huy tính chủ động, tinh thần sáng tạo, hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu của thị trường, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững.

Để đạt được những kế hoạch trên, tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu có thêm 150 sản phẩm (lũy kế đến năm 2025 là 250 sản phẩm) OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, phấn đấu 10% sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã hết thời gian chứng nhận theo quy định.

Trên 90% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP; phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất một trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu có sản phẩm OCOP.

UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các sở, ngành, địa phương xác định và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP tập trung vào 6 nhóm và ngành hàng gồm: thực phẩm (nông sản tươi sống và nông sản chế biến); đồ uống (đồ uống có cồn và đồ uống không cồn); thảo dược (các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu); vải và may mặc (các sản phẩm làm từ bông, sợi); lưu niệm, nội thất, trang trí (các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng); dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng (các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu).

Phước Long