Khát vọng trở thành một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch 

Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là một chủ trương đúng đắn của Đảng, là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị, “Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, nhấn mạnh: “Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch”.

anh man hinh 2023 11 24 luc 134335.png
Cổng làng văn hoá Bản Nưa

Quán triệt tinh thần đó, cùng với khát vọng phát triển du lịch Nghệ An trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, tháng 5 vừa qua, tỉnh đã ban hành Quyết định 1439/QĐ-UBND  phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 với thương hiệu đặc trưng là du lịch chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước và con người xứ Nghệ.

Chiến lược phát triển du lịch với mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An. Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 9-10%.

Đến năm 2035, Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch Châu Á và Thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10-12%.

Đối với các chỉ tiêu phát triển du lịch Nghệ An, phấn đấu tổng khách du lịch khoảng 12,0-13,0 triệu lượt vào năm 2030, đạt khoảng 18,0 -20,0 triệu lượt vào năm 2035. Trong đó, khách quốc tế khoảng 0,8-1,0 triệu lượt vào năm 2030, 1,0-1,2 triệu lượt vào năm 2035; khách nội địa khoảng 11,2-12,0 triệu lượt vào năm 2030, khoảng 17,0- 18,8 triệu lượt vào năm 2035. Doanh thu từ các dịch vụ du lịch khoảng 25-30 nghìn tỷ đồng vào năm 2030, đạt khoảng 40-45 nghìn tỷ đồng vào năm 2035. Tổng số lao động trong ngành du lịch từ 20-22 nghìn người vào năm 2030, 22-25 nghìn người vào năm 2035.

Để chiến lược trở thành xương sống trong phát triển du lịch

Với tinh thần đó, tỉnh đang bắt tay xây dựng dự thảo chiến lược phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên cơ sở đóng góp ý kiến từ các sở, ngành. Căn cứ vào chiến lược này, có thể xây dựng các dự án, đề án để chiến lược trở thành xương sống trong phát triển du lịch, đi vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất. 

Bước vào giai đoạn mới mới, Nghệ An xác định: “Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đa dạng, trọng tâm là du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, du lịch “4 mùa”.

khudutru.png
Hang động trong khu dự trữ sinh quyền miền Tây Nghệ An

Tập trung phát triển và khai thác thế mạnh du lịch tại các địa bàn trọng điểm, gồm: thị xã Cửa Lò và vùng ven biển, huyện Nam Đàn và vùng phụ cận, thành phố Vinh, miền Tây Nghệ An. Tiếp tục triển khai hiệu quả các tuyến phố đêm, phố đi bộ, phố ẩm thực và các mô hình kinh doanh mới tại các đô thị Vinh, Cửa Lò...”.

Cùng với việc đề ra các mục tiêu cho giai đoạn phát triển mới, cũng như nắm bắt thời cơ, nhận diện thách thức, du lịch Nghệ An cần xác định một tầm nhìn mới, một chiến lược phát triển bài bản và khả thi. Đó là thay đổi tư duy làm du lịch, cơ cấu lại sản phẩm và thị trường khách du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả. Từng bước thay đổi hình ảnh từ “du lịch bình dân” sang “những điểm đến du lịch cao cấp”, từ thu hút chủ yếu nguồn khách nội địa hướng đến thu hút mạnh mẽ khách quốc tế, với việc thay đổi mô hình và cơ cấu sản phẩm du lịch, phát triển đa dạng và chất lượng các loại hình dịch vụ.

Cụ thể là, tập trung đầu tư xây dựng các dịch vụ cao cấp; mở rộng không gian du lịch về phía miền Tây Nghệ An với các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, nghỉ dưỡng núi đẳng cấp, chất lượng cao. Phát triển sản phẩm du lịch cần có sự kết nối chặt chẽ của ba trụ cột chính là du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch sinh thái gắn với khám phá văn hóa cộng đồng nhằm tạo ra thương hiệu đặc trưng, giá trị khác biệt.

Phát triển du lịch nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP

Hiện nay du lịch cộng đồng phát triển khá mạnh. Đây là loại hình giúp người dân phát triển sinh kế, bảo tồn văn hóa. Các sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn là không gian để phát triển sản phẩm OCOP.

Trong xu thế đó, việc thúc đẩy Chương trình OCOP thành thương hiệu có giá trị to lớn đối với ngành nông nghiệp Nghệ An. Việc kết hợp phát triển du lịch với phát triển các sản phẩm OCOP cũng bước đầu đã mang lại kết quả khả quan. Sự kết hợp này không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà còn thiết thực góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển bền vững.

opop1.png

Với phong cảnh thiên nhiên kiến tạo cùng với sự đa dạng các cộng đồng dân tộc và sự phong phú, đa dạng các sản vật. Nghệ An đang đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên: cam Xã Đoài, gạo nếp rồng, măng loi Tân Kỳ, sâm thổ hào, trám đen Thanh Chương; cá mát sông Giăng, cá ngạnh sông Lam, vịt bầu Quỳ, gà ác Kỳ Sơn; giò me Nam Nghĩa, bò giàng Tương Dương, mực khô Cửa Lò, tôm nõn Diễn Châu…). Đặc biệt, ở Nghệ An, hầu như mỗi làng quê đều có một nghề truyền thống. Tính đến nay, toàn tỉnh có 171 làng nghề được công nhận và hàng trăm làng có nghề.

Với những chất liệu này, Nghệ An hoàn toàn có thể xây dựng một hệ sinh thái du lịch đặc sắc.

Tuy nhiên, để những tiềm năng này có thể biến thành lợi thế cạnh tranh, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 tỉnh Nghệ An cần xác định được các không gian để tổ chức phát triển du lịch, phát triển làng nghề, phát triển canh nông.... Khi đã có không gian rõ ràng, sẽ dễ dàng hơn trong việc giải bài toán lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch; làm sao để sản phẩm OCOP giúp chương trình du lịch địa phương phong phú hơn, hấp dẫn du khách hơn; ngược lại nhờ du lịch mà giá trị sản phẩm OCOP được nâng cao… từ đó phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.

Có như vậy sự sự liên thông, kết hợp giữa phát triển du lịch với phát triển các sản phẩm OCOP mới trơn tru, sắc nét.... góp phần biến khát vọng đưa Nghệ An trở thành một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch sớm trở thành hiện thực.

Vân Anh và nhóm PV, BTV