Toyota Việt Nam vừa cho biết, các bất thường trong thử nghiệm chứng nhận công suất 3 mẫu động cơ diesel trên 10 mẫu ô tô của Tập đoàn Công nghiệp Toyota (TICO) sản xuất không ảnh hưởng đến bất kỳ mẫu nào do Công ty Ô tô Toyota Việt Nam sản xuất và phân phối tại Việt Nam.
Cụ thể, những bất thường này không ảnh hưởng đến công suất, mô-men xoắn hoặc các giá trị liên quan đến hệ thống truyền động khác, cũng không làm ảnh hưởng đến chất lượng khí thải hoặc sự an toàn của xe. Thông tin này được hãng mẹ Toyota cung cấp và xác nhận.
Trên thực tế, tại thị trường Việt Nam, có 2 mẫu xe đang được phân phối sử dụng mẫu động cơ dầu 2 GD-FTV bị gian lận thử nghiệm công suất là bán tải Toyota Hilux nhập khẩu từ Thái Lan và SUV cỡ D Toyota Fortuner với 2 phiên bản dung tích động cơ 2.4 lít và 2.8 lít lắp ráp tại Việt Nam.
Một số mẫu xe và phiên bản khác có tên trong danh sách 10 mẫu xe trên chỉ có bản chạy xăng tại Việt Nam là xe MPV 7 chỗ Innova, SUV sang cỡ lớn Land Cruiser và phiên bản Fortuner dung tích động cơ 2.7 lít nhập khẩu Indonesia.
Bản chất vụ gian lận của TICO là, trong quá trình thử nghiệm xe mẫu động cơ dầu, nhà sản xuất đã sử dụng một phần mềm hệ thống điều khiển điện tử để đo hiệu suất động cơ khác với phần mềm đo hiệu suất động cơ trong quá trình sản xuất hàng loạt xe thương mại. Điều này dẫn tới kết quả hiệu suất động cơ dầu của các mẫu xe sẽ không chính xác.
Tuy nhiên, xét theo các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn xe nói chung, các mẫu xe Toyota bán ra trên thị trường toàn cầu vẫn đảm bảo. Dù vậy, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã yêu cầu chặt hơn buộc Toyota phải ngừng giao xe và xem xét triệu hồi.
Như VietNamNet đã đăng tải trước đó, ngày 29/1, Tập đoàn Toyota đã phải tạm dừng giao hàng đối với toàn bộ 10 mẫu ô tô sử dụng 3 mẫu động cơ do TICO làm giả dữ liệu chứng nhận công suất đầu ra trong quá trình thử nghiệm. Đó là các mẫu động cơ chạy dầu 1 GD, 2 GD và tăng áp F33A. Điều này ảnh hưởng đến 9 chi nhánh và công ty con của Toyota trên khắp thế giới.
Mẫu thứ nhất là SUV hạng sang Land Cruiser tại thị trường Nhật Bản, châu Âu, châu Á, châu Phi, Trung Đông, trong đó, Land Cruiser Prado sử dụng động cơ 1GD do Toyota Motor Corporation và Hino sản xuất, Land Cruiser 300 sử dụng động cơ F33A do Toyota Auto Body Nhật Bản sản xuất.
Mẫu xe thứ 2 và 3 là Fortuner và Lexus LX500d bán ở 3 thị trường châu Âu, châu Á và Trung Đông, trong đó, Fortuner sử dụng động cơ 1 GD do 3 đơn vị Toyota Thái Lan, Toyota Indonesia và Toyota Ấn Độ sản xuất; mẫu Lexus LX500d sử dụng động cơ F33A do Toyota Auto Body Nhật Bản sản xuất.
Mẫu xe thứ 4 là bán tải Hilux sử dụng động cơ 1 GD do 3 đơn vị Toyota Thái Lan, Toyota Nam Phi, Toyota Ấn Độ sản xuất phục vụ 4 thị trường châu Âu, châu Á, châu Phi và Trung Đông; riêng mẫu Hilux động cơ 2 GD do Toyota Nhật Bản sản xuất phục vụ thị trường nội địa trong nước.
Mẫu xe thứ 5 và 6 là xe tải chuyên dụng Dyna và Dutro sử dụng động cơ 1 GD do Hino sản xuất, cung cấp cho thị trường Nhật Bản và châu Á.
Ba mẫu xe còn lại sử dụng động cơ 1 GD bị ảnh hưởng bao gồm xe 16 chỗ Toyota Hiace, MPV cỡ lớn Toyota Granace và xe tải Van Bongo Brawny của Mazda, do 3 chi nhánh Toyota Auto Body Nhật Bản, Toyota Auto Body Thái Lan và Gifu Auto Body sản xuất. Các mẫu xe này bán cho thị trường Nhật Bản, châu Âu, châu Á và Trung Đông.
Trước bê bối này, lãnh đạo Tập đoàn Toyota lại một lần nữa cúi đầu xin lỗi khách hàng và công chúng, đồng thời hứa sẽ khắc phục các hành vi sai trái liên tiếp xảy ra ở các công ty con.
Vụ việc gần nhất, tháng 12 năm ngoái, Daihatsu - công ty con chuyên sản xuất các mẫu xe giá rẻ của Toyota đã dính phải bê bối gian lận thử nghiệm chất lượng và an toàn liên quan tới 64 mẫu xe.
Trước nữa, tháng 3/2022, Hino Motors thuộc sở hữu của Toyota cũng thừa nhận đã gian lận trong các báo cáo dữ liệu về khí thải và mức tiết kiệm nhiên liệu gửi tới cơ quan quản lý vận tải.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!