Theo Nikkei đưa tin, sau khi án phạt được đưa ra hôm qua (16/1), ông Tetsuo Saito, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản nhấn mạnh: "Vụ bê bối gian lận an toàn của Daihatsu đã làm rung chuyển nền tảng của hệ thống cấp chứng nhận chất lượng và an toàn xe. Sự việc này có thể khiến niềm tin của người dân đối với lĩnh vực sản xuất ô ô của Nhật Bản bị giảm sút nghiêm trọng."

Bộ này đã chỉ ra hành vi của Daihatsu là coi thường nghiêm trọng vấn đề an toàn. Theo đó, công ty con của Toyota bị cáo buộc đã sử dụng bộ hẹn giờ để kích hoạt túi khí trong quá trình thử nghiệm, thay vì để cảm biến phát hiện va chạm và bung túi khí theo đúng nguyên tắc. Túi khí không hoạt động khi va chạm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người ngồi trong.

Theo quan điểm của Bộ, đây là hành vi sai trái có chủ đích và bắt nguồn từ văn hóa doanh nghiệp của Daihatsu.

Bộ ra tối hậu thư yêu cầu công ty khắc phục ngay các quy trình sản xuất còn thiếu sót để ngăn chặn sự việc tái diễn và phải gửi báo cáo tiến độ khắc phục thường xuyên trong tháng 2 tới.

Những người không tuân thủ yêu cầu có thể sẽ bị phạt số tiền lên tới 500.000 yên (khoảng 83 triệu đồng). Điều này lần đầu được áp dụng đối với Hino vào tháng 9/2022 sau khi công ty này bị phát hiện làm giả dữ liệu khí thải. 

Cùng với những động thái nghiêm khắc, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch yêu cầu Daihatsu cải tổ lại một cách mạnh mẽ cơ cấu tổ chức của mình, đồng thời lên kế hoạch đưa ra những quy định quản lý siết chặt để ngăn điều tương tự có thể xảy ra một lần nữa.

Người đứng đầu Bộ còn cho biết đây chưa phải là án phạt cuối cùng, có thể sẽ áp dụng thêm các hình phạt khác khi cuộc điều tra tiếp tục diễn ra.

daihatsu logo.jpg
Hành vi sai trái có chủ đích và bắt nguồn từ văn hóa doanh nghiệp của Daihatsu.

Trước đó, Bộ này cho biết đã làm thu hồi và hủy bỏ Giấy chứng nhận chất lượng và an toàn kỹ thuật xe đối với 3 mẫu ô tô do Daihatsu sản xuất bao gồm Gran Max- thương hiệu riêng của Daihatsu và 2 mẫu xe TownAce sản xuất cho Toyota và Bongo sản xuất cho Mazda.

Lệnh xử phạt này đồng nghĩa Daihatsu không được phép sản xuất các mẫu xe trên đồng loạt cho đến khi được cấp giấy chứng nhận trở lại.

Việc lấy lại giấy chứng nhận sẽ phải trải qua quá trình xét duyệt khó khăn hơn nhiều, thời gian sẽ bị kéo dài hơn thay vì 2 tháng.

Daihatsu là công ty Nhật Bản thứ 3 bị thu hồi giấy chứng nhận chất lượng an toàn xe sau Hino vào năm 2022 và Toyota vào năm ngoái. Trong đó, Hino phải mất gần 1 năm mới có thể lấy lại được một số chứng nhận và hiện vẫn chưa thể lấy lại được tất cả các chứng nhận cần thiết cho các mẫu xe.

Ông Soichiro Okudaira, Chủ tịch Daihatsu đã xin lỗi các bên liên quan và cho biết công ty rất tôn trọng quyết định này của Bộ Giao thông Vận tải. .jpg
Ông Soichiro Okudaira, Chủ tịch Daihatsu đã xin lỗi các bên liên quan và cho biết công ty rất tôn trọng quyết định này của Bộ Giao thông Vận tải. 

Hiện tại, Daihatsu đã tạm dừng sản xuất tại tất cả các nhà máy ở Nhật Bản cho đến cuối tháng 1 để phục vụ công tác điều tra.

Vụ bê bối có thể ảnh hưởng đến quan hệ của Daihatsu với các công ty khác như Suzuki hay Mazda vốn là những đối tác mật thiết của công ty mẹ Toyota, đồng thời ảnh hưởng tới hơn 423 nhà cung cấp cấp 1 và 30.000 đại lý bán xe trên toàn Nhật Bản.

Liên quan đến vụ bê bối gian lận an toàn, nhà phân tích Seiji Sugiura thuộc Viện nghiên cứu Tokai Tokyo ước tính, do không được bán xe mới và phải bồi thường cho các nhà cung cấp và đại lý, Daihatsu có thể phải đối mặt với khoản lỗ hơn 100 tỷ yên (16.605 tỷ đồng), trong khi lợi nhuận ròng trong năm tài chính 2022 của họ cũng mới chỉ đạt có 102,2 tỷ yên (16.950 tỷ đồng). 

Trước mắt, 3 mẫu xe bị thu hồi giấy chứng nhận an toàn đều nằm ở dòng xe thương mại, chỉ chiếm khoảng 5% doanh thu của Daihatsu, thiệt hại có thể tồi tệ hơn nhiều nếu vụ bê bối lan sang cả dòng xe du lịch.

Cho đến nay, tổng cộng có 171 lỗi xảy ra trên 64 mẫu xe bao gồm của Toyota, Daihatsu, Mazda và Suzuki, trong đó có một số mẫu xe đã ngừng sản xuất.

Ngày 16/1 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải cho biết cuộc điều tra tại chỗ đã phát hiện thêm 14 lỗi mới và đã yêu cầu Daihatsu nhanh chóng gửi báo cáo giải trình, thậm chí là triệu hồi 2 mẫu xe không đạt chuẩn.

Trong khoảng hơn 20 mẫu xe Toyota "dính" bê bối gian lận kiểm nghiệm an toàn và chất lượng của công ty con Daihatsu, có nhiều tên xe quen thuộc với người dùng Việt Nam Toyota Vios, Toyota Yaris, Toyota Veloz Cross, Toyota Avanza... Tuy nhiên, theo danh sách công bố hồi tháng 12/2023, chỉ có mẫu xe Avanza bản số sàn là mẫu xe duy nhất của Toyota đang bán tại Việt Nam bị dừng bán.

Theo Nikkei

Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!