Quản lý lúng túng: 10 lần dự thảo Nghị định

Thời gian qua, kinh tế chia sẻ đã xuất hiện tại Việt Nam, điển hình với sự góp mặt của Uber, Grab, Airbnb, dịch vụ cho vay ngân hàng,... thì song song đó, sự lúng túng trong quản lý là điều nhìn thấy rõ. Khi quản lý không theo kịp sự phát triển của công nghệ sẽ kìm hãm nền kinh tế đồng thời khiến người dân thua thiệt.

Chỉ riêng Uber, Grab, việc quản lý thế nào cho tới nay vẫn chưa có hồi kết. Bộ GTVT lại vừa có Dự thảo lần thứ 10 Nghị định về điều kiện kinh doanh xe ô tô trình Thủ tướng. Việc “đeo mào” cho taxi công nghệ như với taxi truyền thống đã được Bộ GTVT hủy bỏ, thay bằng dán logo phản quang lên kính xe. Đây cũng là yêu cầu của Thủ tướng trước đó khi họp về dự thảo nghị định này.

Một dự thảo mà Bộ GTVT mất hơn 2 năm xây dựng, trình lên rồi lại phải sửa đổi, bổ sung mà chưa biết khi nào mới được ban hành. Một trong lý do chính khiến Nghị định chậm trễ là bởi những tranh luận liên quan tới việc quản lý taxi công nghệ như Uber, Grab,... bằng cách nào. Đặc biệt, khi hoạt động thí điểm loại hình kinh doanh mới này có những bất cập nhất định.

{keywords}
Tranh cãi quản lý Grab, Uber

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, dù Uber, Grab vào Việt Nam hoạt động là thí điểm, nhưng thời gian loại hình này ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tới taxi truyền thống, khách hàng, tới quyền lợi lái xe (không được đóng bảo hiểm xã hội). Ranh giới giữa công nghệ và vận tải, xe hợp đồng và xe taxi rất mong manh, tạo nên các vấn đề rất bức xúc, nên nghị định mới phải điều chỉnh, để tất cả cùng phát triển.

Ông Thể ủng hộ ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, nhưng phải đảm bảo quyền lợi người dân, lái xe, an toàn giao thông và nghĩa vụ thuế với nhà nước. “Bản chất của Grab, Uber và taxi truyền thống là như nhau, đều kinh doanh vận tải, nên phải đảm bảo công bằng”, ông Thể nói.

Người đứng đầu ngành GTVT thừa nhận, thời gian qua, do Uber và Grab là loại hình mới nên quản lý có phần lỏng lẻo, nhưng nay đã nắm rõ cần giải pháp để quản lý. Uber, Grab hoạt động tại Việt Nam phải chấp hành pháp luật Việt Nam, đóng thuế cho nhà nước và có trách nhiệm với hành khách, lái xe.

Nêu quan điểm của mình về xe công nghệ trong đó có Grab, Uber, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, cho rằng, dư luận không nên xem xe công nghệ đang được ưu ái hơn taxi truyền thống, mà phải thấy rằng, khi công nghệ và kỹ thuật số xuất hiện đã làm thay đổi nền tảng kinh doanh. Từ kinh tế chia sẻ như cách gọi ban đầu giờ gọi đó là kinh doanh thương mại. Đây là nền tảng kết nối chứ không thể gọi là vận tải.

Hiện Grab hoạt động như một hệ sinh thái. không chỉ vận chuyển mà có cả dịch vụ thanh toán, giao hàng, giao thức ăn... và tương lai còn tích hợp nhiều dịch vụ khác nữa.

Chính vì thế, nếu cơ quan quản lý vẫn tìm cách áp Grab như một dịch vụ vận tải là điều rất khiên cưỡng, trong khi nó là một công ty cung cấp giải pháp công nghệ và ứng dụng thực tế vào các ngành nghề khác nhau trong xã hội.

Thời điểm quyết định đã đến

Đúng vào thời điểm, Bộ GTVT bỏ quy định taxi công nghệ phải “đeo mào”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Đề án đặt mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống; đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Quan điểm của Đề án là ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện công nghệ số phát triển rất nhanh; không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh này do kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế.

{keywords}
Tìm cơ hội trong nền kinh tế chia sẻ

Đồng thời, quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0.

Điều quan trọng là tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN hoạt động kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, giữa DN trong nước và nước ngoài; Nhà nước khuyến khích, ưu tiên tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cung cấp nền tảng; đặt doanh nghiệp vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.

Ngoài ra, thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ; nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Khuyến khích các mô hình kinh tế chia sẻ trên cơ sở phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển của đất nước.

Việc Chính phủ chính thức thông qua Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ góp phần quan trọng “cởi trói” và mở đường cho sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.

Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội thương mại điện tử, CEO CTCP Công nghệ Sapo, đánh giá, sự chuyển biến này chứng tỏ một Chính phủ lắng nghe và cởi mở, thích nghi và bắt kịp xu thế của thế giới. 

Theo ông Tuyến, đề án mở ra cơ hội cạnh tranh bình đẳng giữa các mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Vì vậy, sự đón nhận của thị trường và khách hàng là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá về một doanh nghiệp kinh doanh thành công hay không, chứ không phải những rào cản về pháp lý.

Việc mở cửa đón nhận và thúc đẩy xu hướng kinh tế chia sẻ cho thấy Chính phủ Việt Nam đang rất sẵn sàng cho một cú huých của nền kinh tế nước nhà. Sự chuyển biến này tác động không nhỏ tới cộng đồng doanh nghiệp. 

Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, Chính phủ đang nghiên cứu đề án chuyển đổi số quốc gia, cho phép áp dụng mô hình sandbox (một cơ chế pháp lý cho phép thử nghiệm các ý tưởng kinh doanh liên quan đến công nghệ trong điều kiện quy định pháp lý hiện tại chưa kịp điều chỉnh các loại hình kinh doanh mới chưa có tiền lệ) để các startup, các công ty công nghệ có thể thoải mái thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Đây là một tín hiệu đáng mừng.

 Duy Anh