Hai ông trùm trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản bất ngờ gặp khó, cổ phiếu giảm mạnh. Hàng loạt các blue-chips tụt giảm khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Trái với kỳ vọng về một cú thành công vang dội như phiên đấu giá của Vinamilk (VNM) hồi tháng 10, những thông tin về phiên thoái vốn lớn tiếp theo của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại “ông lớn” Vinaconex khiến nhiều người lo ngại.
Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), tổng cộng chỉ 3 nhà đầu tư, bao gồm 1 nhà đầu tư tổ chức và 2 nhà đầu tư cá nhân, đăng ký mua cổ phần VCG với tổng lượng đặt mua vỏn vẹn 5,35 triệu đơn vị, tương đương 5,56% lượng chào bán.
Đây là phiên đấu giá lớn thứ 2 thất bại sau thương vụ IPO gần 10.000 tỷ của ông trùm bất động sản công nghiệp Becamex IDC với chỉ chỉ hơn 6% lượng cổ phần chào bán được đăng ký mua.
Trong phiên đấu giá cổ phần Tổng CTCP Xuất Nhật khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) diễn ra sáng 8/12, SIC nắm chắc phần thất bại, bất chấp Vinaconex được biết là ông lớn số 1 trong ngành bất động sản và xây dựng, đang quản lý một quỹ đất khổng lồ lên tới 3,2 triệu m2, trong đó đất được giao là 132 nghìn m2 và hơn 3 triệu m2 đất thuê.
Splendora - một dự án BĐS lớn của Vinaconex - dự kiến mang lại nguồn thu 400 tỷ trong năm 2018 |
Trong phiên 7/12, VCG giảm 1,8% xuống còn 27.500 đồng/cp sau khi tăng gần 100% trong 6 tháng trước đó. Sau khi kết quả được công bố, cổ phiếu Vinaconex có thể còn chịu nhiều áp lực bán ra.
Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) vốn đang chịu áp lực điều chỉnh giảm rất lớn trong 4 phiên vừa qua sau khi lên đỉnh 10 năm ở mức: 970 điểm.
Một ông lớn xây dựng khác là Coteccons (CTD) cũng đang gặp rất nhiều khó khăn sau vụ “đấu tố” với chủ đầu tư dự án Panorama Vịnh Nha Trang. Cổ phiếu CTD của nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam giảm mạnh 5.600 đồng trong phiên 7/12.
Ông trùm xây dựng Việt Nam Coteccons mới đây đã văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh kêu cứu về những tranh chấp xảy ra, khi công nhân nhà thầu này đã bị "trục xuất" khỏi công trường, trong khi máy móc thiết bị có trị giá 70 tỷ đồng vẫn còn ở công trường, chủ đầu tư còn nợ 120 tỷ đồng chưa thanh toán. Trong khi đó, chủ đầu tư thì cho rằng Coteccons vi phạm điều khoản bảo mật thông tin, tự ý bỏ dở công trình,...
Trên TTCK, phần lớn các cổ phiếu bluechips khác sụt giảm mạnh, trong đó VNM giảm 9.000 đồng về 186.000 đồng, đúng bằng mức giá mà công ty con Platinum Victory của đại gia Hong Kong Jardine Matheson đã mua trong phiên đấu giá của SCIC.
Cổ phiếu Vingroup (VIC) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng cũng giảm 1.000 đồng về 72.000 đồng/cp. Sabeco (SAB) giảm 8.600 đồng về 319.400 đồng.
Nhiều cổ phiếu trụ cột khác như Vietjet (VJC) của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long, FPT của ông Trương Gia Bình, Vincom Retail (VRE) của ông Phạm Nhật Vượng, Petrolimex (PLX), Vietcombank (VCB)... đều giảm điều.
Khối ngoại bán ròng phiên thứ 2 liên tiếp với nhiều mã trước đây được mua vào rất mạnh như VNM, VIC...
Mặc dù giảm mạnh nhưng đa số các CTCK và nhà đầu tư đều tin tưởng nhịp điều chỉnh sẽ không kéo dài và TTCK sẽ nhanh chóng tăng trở lại vào cuối năm và đầu năm sau nhờ triển vọng kinh doanh quý 4 tốt của các doanh nghiệp niêm yết và của nền kinh tế nói chung.
Về tổng thể, quy mô và thanh khoản trên TTCK tiếp tục cải thiện. Dòng vốn nội và ngoại vẫn đổ vào thị trường cho dù VN-Index đã ở mức cao. Nhiều chuyên gia cho rằng, TTCK Việt Nam vẫn đang nằm trong xu hướng tăng điểm trong những năm trước khi được nâng hạng giống như nhiều TTCK khác.
Theo CTCK BVSC, TTCK sẽ sớm có sự hồi phục sau những phiên giảm mạnh như vừa qua. Triển vọng trong trung hạn của chỉ số VN-Index vẫn được đánh giá khả quan.
Còn theo BSC, điểm tích cực trong phiên hôm nay là thay vì biến động theo thị trường, các mã cổ phiếu vừa và nhỏ lại đang hoạt động khá tích cực và thu hút dòng tiền của nhà đầu tư. Bằng chứng là trong phiên giao dịch hôm nay, số các mã tăng điểm và giảm điểm đã có sự cân bằng. Sự phục hồi của cổ phiếu vừa và nhỏ phần nào giúp tâm lý nhà đầu tư vững vàng hơn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/12, VN-index giảm 8,99 điểm xuống 938,65 điểm; HNX-Index tăng 1,16 điểm lên 114,53 điểm. Upcom-Index tăng 0,28 điểm lên 54,25 điểm. Thanh khoản đạt gần 255 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 5,6 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
H. Tú