Tuần Việt Nam ghi lại ý kiến của bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.
Điễm nghẽn lớn trong môi trường kinh doanh
Các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy là điểm nghẽn rất lớn trong môi trường kinh doanh mà chúng tôi nhận được phản ánh của các doanh nghiệp suốt từ Tết cho đến nay. Thủ tướng chỉ đạo nhanh, quyết liệt thể hiện sự sâu sát của ông trước những khó khăn của doanh nghiệp.
Trong khoảng thời gian ngắn chỉ 18 tháng mà có đến mấy văn bản pháp quy ở cấp độ thông tư, đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật rất khó thực hiện liên quan đến PCCC bắt doanh nghiệp tuân thủ. Có những quy định các doanh nghiệp không biết tuân thủ như thế nào cho đúng.
Ví dụ, doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho bãi theo những quy định PCCC cũ nhưng đến khi làm xong, cơ quan kiểm định lại buộc doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định mới. Có những tiêu chuẩn, quy chuẩn không khả thi ở Việt Nam; có những tiêu chuẩn được nâng tầm lên với quy chuẩn đang áp dụng tại Anh, một trong những quốc gia tiên tiến nhất thế giới. Đã đành là chúng ta cần hướng đến những tiêu chuẩn cao chứ và không nên áp dụng tiêu chuẩn thấp để tránh rủi ro cháy, nổ cho cộng đồng, xã hội, nhưng đưa ra các tiêu chuẩn cao quá, không tuân thủ được thì không doanh nghiệp nào chịu đựng nổi, chi phí tuân thủ là ngoài tầm với của họ.
Ví dụ khác, có những yêu cầu rất cụ thể về sơn chống cháy nhưng loại sơn đó lại chưa được cấp phép trên thị trường và cũng chưa có doanh nghiệp nào ở Việt Nam sản xuất được. Ít nhất trên thị trường phải có một, hai loại sơn chống cháy đã được cấp phép thì doanh nghiệp mới có thể mua và sử dụng được chứ. Quy định về sơn chống cháy cụ thể nhưng cả thị trường đang không có sơn chống cháy đó nên công trình xây xong mà không được thẩm định, không được nghiệm thu, không được vận hành. Những quy định như vậy làm doanh nghiệp rất khó khăn, lúng túng.
Hay có những quy định như chung cư 20 tầng trở lên phải có 1 tầng để lánh nạn, có quạt thông gió chịu được nhiệt độ 400 độ C trong vòng 2 tiếng. Quy định đó thậm chí còn quy định chi tiết là tầng lánh nạn được sử dụng để phục vụ một số mục đích của cộng đồng khi chưa được dùng để làm chức năng lánh nạn. Quy định không rõ ràng như thế làm cư dân, chủ toà nhà không biết phải làm gì, gây lãng phí không cần thiết. Chúng ta hướng đến tiêu chuẩn cao nhưng phải hợp lí và khả thi trong bối cảnh hiện tại.
Một ví dụ nữa, yêu cầu công trình phải có thang thoát hiểm, một thang trong và một thang ngoài. Vậy bao nhiêu công trình đã và đang vận hành theo quy định cũ, tức chỉ có thang trong, giờ làm thế nào để có thang ngoài? Có những đầu tư chủ toà hạng A nói, chúng tôi đã tuân thủ tất cả yêu cầu về PCCC cho tòa nhà hạng A nhưng đến thời điểm này, khi đối chiếu với những quy định PCCC mới lại không đạt. Các doanh nghiệp không có cách nào khắc phục được quy định mới này.
Có những quy chuẩn PCCC áp dụng chung cho những hạng mục công trình, không phân biệt về quy mô, chức năng vận hành của các công trình đó. Những công trình xây dựng nhỏ, to, có chức năng, công dụng khác nhau đều bị áp chung một quy định. Vì thế, chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp xây công trình quy mô nhỏ đội lên nhiều so với dự toán.
Hơn nữa, nhiều chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý bị chồng chéo. Có những công trình chỉ cần có giấy của cấp xã nhưng vẫn phải chịu sự thẩm tra đồng thời từ phía các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Xây dựng. Chỉ một hạng mục của một công trình mà có đến 3 cơ quan thanh kiểm tra về PCCC. Đó là những bài toán lớn, hóc búa mà doanh nghiệp không thể có lời giải.
Sau khi Thủ tướng ra công điện, các hiệp hội doanh nghiệp nói với tôi rằng, công điện của Thủ tướng là toàn diện, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan sửa đổi các quy định gây khó và giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương.
Hàng nghìn doanh nghiệp gặp bế tắc
Tuy nhiên, các hiệp hội doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn việc sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chẩn PCCC và khâu thực thi tới đây sẽ như thế nào. Các doanh nghiệp kiến nghị xử lý sớm một số việc cấp thiết để có thể đưa công trình, nhà xưởng vào sản xuất, kinh doanh.
Công điện yêu cầu hai bộ Công an và Xây dựng phối hợp, rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định đã ban hành trong các thông tư; đánh giá xem những điều gì là cần thiết, khả thi, hợp lí, điều gì là không. Tuy nhiên, việc sửa đổi các văn bản này lại mất thời gian, nhanh cũng phải nhiều tháng, không phải hôm nay chỉ đạo thì mai sẽ được tháo gỡ ngay.
Thực tế này làm các doanh nghiệp rất lo lắng, đặc biệt hàng nghìn doanh nghiệp đang bị đình đốn hoạt động.
Hiện nay có hơn 1.600 doanh nghiệp ở Bình Dương, mấy nghìn doanh nghiệp ở Đồng Nai và nhiều tỉnh khác đang bị yêu cầu tạm dừng công trình, không nghiệm thu, tạm dừng hoạt động. Các doanh nghiệp mong ngóng là các bộ, ngành và địa phương có giải pháp hướng dẫn sớm để họ còn bắt tay sản xuất, kinh doanh. Khi phải chờ thêm một năm nữa mới ra thông tư mới thì hàng nghìn doanh nghiệp đó sẽ phá sản. Đó là chưa nói các doanh nghiệp khác không có tâm lý nào để đầu tư, mở rộng sản xuất.
Các doanh nghiệp phản ánh 2 thông tư liên quan của Bộ Xây dựng thay thế nhau trong vòng hơn một năm mà không có hướng dẫn chuyển tiếp. Nhiều công trình được xây dựng theo tiêu chuẩn PCCC của thông tư trước, nhưng khi hoàn thành lại bị áp tiêu chuẩn PCCC của thông tư sau nên không được nghiệm thu, không được cấp phép. Điều này làm ảnh hưởng không chỉ tới doanh nghiệp mà đến cả các cán bộ thực thi, các cơ quan chức năng. Việc này phải xử lý gấp vì có tới hàng ngàn doanh nghiệp đang bị tác động.
Các doanh nghiệp rất cảm ơn Thủ tướng và đang rất nóng lòng chờ các bộ, ngành và địa phương thay đổi về các tiêu chuẩn PCCC để có thể vận hành nhà xưởng, công trình để sản xuất, kinh doanh.
Lan Anh lược ghi