Người Việt tin dùng hàng Việt

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, thị trường trong nước đã thực sự là bệ đỡ cho các doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, các nhà bán lẻ lớn đã chủ động dự báo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa khi diễn biến dịch bệnh phức tạp để tăng lượng hàng dự trữ. Nhờ đó, hàng hóa lưu thông thông suốt, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá những mặt hàng thiết yếu.

Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao tại kênh phân phối hiện đại. Điển hình như, trên hệ thống siêu thị bán lẻ Co.opmart, Vissan, Vinmart, BRG Retail… hàng hóa trong nước chiếm tỷ lệ 90-95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ 60-96%. Với kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên.

{keywords}
Hàng Việt phân phối qua các kênh bán lẻ hiện đại (Ảnh:Bảo An)

Theo đại diện Công ty Vincommerce (đơn vị quản lý chuỗi siêu thị Vinmart), công ty đã có kế hoạch liên hệ với các nhà cung cấp hàng thiết yếu để cùng lên kế hoạch dự kiến về sản lượng. Từ đó có dự toán về sản lượng cho ba tháng tiếp theo để nhà cung cấp kịp thời chuẩn bị. Hiện phần lớn khách hàng đã chọn đặt hàng online qua ứng dụng Vinid trên smartphone để được giao hàng tận nơi. Vincommerce cũng đang đầu tư chăm sóc mạnh kênh bán hàng online.

Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, nhiều năm qua, Saigon Co.op (đơn vị quản lý mạng lưới siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra…) có chính sách ưu tiên mua hàng, bố trí diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mại… dành cho hàng Việt Nam. Ngoài ra, Saigon Co.op còn phối hợp với các địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật để doanh nghiệp đầu tư sản xuất các mặt hàng chất lượng cao cung ứng cho hệ thống siêu thị của Saigon Co.op…

Thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ và mở rộng thị trường, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, các doanh nghiệp trong nước cần đầu tư để sản xuất ra những sản phẩm có tính năng vượt trội, mang lại nhiều lợi ích cho người mua.

Theo đại diện Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Bộ cũng đang triển khai nhiều giải pháp kết nối chuỗi tiêu thụ và bảo đảm chất lượng hàng hóa, có thể truy xuất được nguồn gốc tới tay người tiêu dùng khi đưa vào các hệ thống phân phối. Yêu cầu các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại tăng dự trữ các mặt hàng thiết yếu như: gạo, dầu ăn, rau, quả, thịt các loại…, không để thiếu hụt kể cả trong trường hợp sức mua tăng đột biến.

{keywords}
Tích cực tiêu thụ hàng Việt (Ảnh:Bảo An)

Hiện các hệ thống bán lẻ đã chuẩn bị rất tốt khi tăng gấp ba lần dự trữ lượng hàng hóa nhằm bảo đảm nguồn cung. Vì vậy có thể đánh giá, các doanh nghiệp bán lẻ đã thể hiện được vai trò chung tay để tiêu thụ nông sản như dưa hấu, thanh long,... không lợi nhuận.

Đồng thời, có những chương trình truyền thông, quảng cáo mạnh với kinh phí của chính doanh nghiệp để kêu gọi người tiêu dùng tới các hệ thống bán lẻ của mình.

Từ đó, giúp người tiêu dùng dần thay đổi thói quen, hành vi mua sắm, thay vì chỉ mua sắm truyền thống ở một hoặc hai kênh chính, dần chuyển sang mua sắm đa kênh, củng cố xu hướng bán lẻ đa kênh ngày càng tăng trong lĩnh vực bán lẻ và thị trường hàng tiêu dùng nhanh trong thời gian tới.

Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tập trung nơi đông người của ngành bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, người dân nên lựa chọn, đặt mua hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ online có uy tín, nhằm tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Như Sỹ