- Trao đổi với VietNamNet, tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung, Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED, cho rằng điều quan trọng khi đổi mới giáo dục là sự phân quyền cho giáo viên, hiệu trưởng và cán bộ quản lý giáo dục địa phương; tạo không gian tự do sáng tạo cho đội ngũ thực thi này.

Thưa TS Nguyễn Khánh Trung, ông có góp ý gì cho dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể?

- Tôi lấn cấn một số điểm, nhưng điểm quan trọng nhất là dự thảo đã không nhấn mạnh đến giáo dục tinh thần và các kỹ năng phản biện cho học sinh, trong khi điều này lại là yếu tố làm nên chất lượng của học sinh, làm nên chất lượng nguồn nhân lực quốc gia trong tương lai.

{keywords}
TS Nguyễn Khánh Trung (Ảnh: Huyền Minh)

Điều này đặc biệt quan trọng trong thời kinh tế tri thức ngày nay. Tại sao lại vậy? 

Tại vì tinh thần phản biện là nền tảng trong tất cả các khoa học, trong tất cả các sáng tạo, phát minh và phát kiến. Chúng ta sẽ chẳng có định luật Vạn vật hấp dẫn hôm nay nếu Issac Newton bàng quan, không tò mò, không đặt câu hỏi "tại sao", "thế nào" và dấn thân đi tìm câu trả lời khi nhìn trái táo rơi. Thế giới sẽ chẳng có máy đọc sách Kindle nếu Jeff Bezos không quan sát sinh viên vất vả, mang vác sách vở và đặt câu hỏi tại sao họ phải mang nhiều sách như thế, có cách nào giúp cải tiến không?

Tinh thần phản biện trước hết là trí tò mò, óc cởi mở và sau đó là mong muốn khám phá và sáng tạo. Còn kỹ năng phản biện là các phương pháp tư duy, đặt câu hỏi, đánh giá, phân tích, lấy quyết định. 

Theo quan sát của tôi, nhà trường Việt Nam hiện nay nhìn chung không giáo dục tinh thần và các kỹ năng phản biện. Ngược lại, nhà trường đang lấy đi và làm vơi cạn dần tinh thần này ở trẻ nhỏ vốn đã được cài cắm từ bên trong, khi giảng dạy theo kiểu áp đặt một chiều. 

Do vậy, điều cốt yếu nhất là phải giáo dục tinh thần và kỹ năng phản biện. Điều này phải được thể hiện một cách rõ nét trong mục tiêu giáo dục quốc gia, và có mặt xuyên suốt trong các nội dung  và tất cả các hoạt động giáo dục.

Ông từng cho rằng để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì rất cần phải phân quyền cho giáo viên, hiệu trưởng và quản lý địa phương. Vậy theo ông, trách nhiệm, nghĩa vụ của giáo viên khi thực hiện chương trình là gì? 

- Trong giáo dục hiện đại, giáo viên không chỉ làm công việc truyền giảng những kiến thức và kỹ năng có sẵn cho học sinh, mà còn đóng vai trò của một nhà giáo dục. 

Họ phải là chủ thể chủ động và sáng tạo trong nghề nghiệp, trong việc biên soạn chương trình khung quốc gia và đặc biệt là trong chương trình địa phương và chương trình riêng của nhà trường, cũng như trong việc biên soạn sách giáo khoa.

Họ cũng phải là chủ thể chính trong phương pháp sự phạm, cách thức đánh giá học sinh và những gì xảy ra bên trong lớp học của họ. 

Nói tóm lại, họ phải là nhà sư phạm, nhà giáo dục, là chủ thể chính yếu kiến tạo nên những gì xảy ra trong nhà trường bên cạnh các chủ thể khác. Khi phân quyền như thế, thì cũng có nghĩa là giáo viên phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm.

Tôi cho rằng, giáo viên là yếu tố quyết định sự thành bại của đợt đổi mới này cũng như của cả nền giáo dục. 

Nhà nghiên cứu Sahlber của Phần Lan đã nói: "Chất lượng của một hệ thống giáo dục không thể vượt xa hơn chất lượng giáo viên của hệ thống giáo dục đó". 

Nhìn từ góc độ này, tôi rất lo về khả năng trở thành "chủ thể kiến tạo" của các giáo viên trong nhà trường phổ thông hiện nay. 

Mới đây hiệu trưởng một trường sư phạm cho biết, nếu thực hiện đổi mới ngay thì nguồn lực giáo viên hiện tại chưa đáp ứng được. Theo ông, vấn đề này cần được giải quyết như thế nào?

- Tôi cũng thấy bài toán giáo viên tại Việt Nam hiện nay là rất khó. Tuy nhiên khi soạn một dự án đổi mới, thì các nhà lập dự án cũng phải lường trước và tính hết, tính thông suốt bài toán này thì mới tiến hành.

Nếu áp dụng chương trình vào năm học sau mà vẫn chưa có khóa giáo sinh đầu tiên được đào tạo theo tinh thần đổi mới, thì cách chuẩn bị nhân sự như vậy là cập rập. Làm sao có nhân sự để thực hiện chương trình mới? Kể cả việc huấn luyện giáo viên cũ cũng cần phải có thời gian, đó là chưa kể chất lượng đào tạo thực sự ở các trường sư phạm như thế nào?

Tại Phần Lan, những đợt cải cách giáo dục của họ đã bắt đầu với việc cải cách các trường và các khoa sự phạm, điều này xảy ra rất lâu trước khi có những đợt cải cách trong các trường học phổ thông. Khi có được đội ngũ giáo viên chất lượng thì chính họ là chủ thể tạo ra sự thay đổi. Chính giáo viên là những người kêu gọi, khuấy động xã hội, góp phần một cách đắc lực trong việc thiết kế nên chương trình mới và thực hiện các cải cách một cách thành công.

Từ góc độ này tôi thấy cần xem xét tính logic của vấn đề. Đổi mới khó lòng khả thi, bởi không thể ban hành một chương trình mới và yêu cầu các giáo viên hiện tại là "các cô các thầy hãy thực hiện đi", sau khi chỉ đưa họ đi bồi dưỡng một vài buổi. 

{keywords}
Ảnh: Đinh Quang Tuấn

Bởi lẽ cải cách giáo dục là thay đổi một nền tảng triết lý, một cách nhìn và một cách làm chứ không chỉ là thay đổi những thao tác thuộc về kỹ thuật ở trong giảng dạy.

Về vấn đề giáo viên nên thế nào, tôi nghĩ, phải đào tạo và tái đào tạo họ, từ hệ điều hành trong các đại học sư phạm, đến các giáo viên hiện tại.  

Với đội ngũ giáo viên hiện tại, có điều gì khiến ông lấn cấn nhất?

- Trong cuốn sách Giáo dục Việt Nam và Phần Lan tôi đã mô tả rất kỹ sự lấn cấn mình. 

Qua quan sát, chúng tôi thấy quan hệ giữa các actor (người thực thi) trong mô hình giáo dục tiểu học Việt Nam là một mô hình đóng, nơi các actor bên dưới chịu sự áp đặt. Những nguyên tắc, quy định chính thức đến từ trên cao chứ không là kết quả của một quá trình tương tác thương lượng xảy ra trong đời sống học đường thường nhật. Mô hình quản lý tập quyền tồn tại lâu ngày hình như đã tạo ra thói quen thụ động nơi các actor. 

Khi phỏng vấn, trong mỗi chủ đề chúng tôi thường đặt các câu hỏi về cảm nhận cá nhân của người được hỏi, nhưng thường chỉ nhận được những câu trả lời một cách chung chung, dựa theo văn bản, hay kiểu không nghĩ tới, cái đó là chức năng của các chuyên gia trên Bộ. 

Những người được hỏi thường chỉ tỏ ra họ là một khâu trong toàn bộ hệ thống, và nhiệm vụ của họ là thi hành những điều được chỉ đạo, chứ không tỏ ra có chính kiến riêng, có tư tưởng riêng mang dấu ấn cá nhân như những nhân vật mà chúng tôi được nói chuyện tại Phần Lan. Họ có tâm lý sợ sai, chờ đợi và phụ thuộc những quyết định từ trên. 

Theo chúng tôi, cũng có thể đây là cách trả lời an toàn trong một bối cảnh xã hội có nhiều vùng nhạy cảm, nhưng cũng có thể là hệ quả của một guồng máy quản lý tập quyền đã tồn tại lâu ngày…

Tôi nghĩ, nếu một ngày Việt Nam áp dụng hình thức quản lý phân quyền đến từng giáo viên như ở Phần Lan, chúng ta cũng không thể dễ dàng thực hiện với những con người hiện tại trong hệ thống. 

Đơn giản vì thói quen tự chủ sáng tạo trong tư duy, trong hành động ít có nơi họ. Chính họ là sản phẩm của một nền giáo dục có mục tiêu đào tạo con người công cụ, và giờ đây chính họ lại là những mắt xích trong bộ máy hệ thống hiện tại. 

Với thời gian, những điều như thế tạo thành nếp nghĩ, thói quen trong não trạng và hành động, tạo ra tập tính không chỉ nơi cá nhân mà nơi cả tập thể trong hệ thống, được truyền thụ từ thế hệ trước đến thế hệ sau. 

Gần đây có đề xuất thay vì phải soạn thảo chương trình sách giáo khoa, chúng ta nên nhập khẩu giáo trình từ các nước tiên tiến. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

- Giáo trình, hay sách giáo khoa chỉ là một khâu trong toàn bộ chương trình giáo dục thôi. Theo tôi chương trình mới là căn bản và quan trọng, trong khi sách giáo khoa chỉ là một loại giáo cụ giúp thực hiện chương trình và chúng được sản xuất và lưu hành trên thị trường. 

Cho nên có thể có nhiều loại sách giáo khoa được biên soạn từ nhiều nhóm tác giả. Nếu thấy có một bộ sách giáo khoa nào đó của một nước nào đó phù hợp, và có một nhóm tư nhân nào đó sẵn sàng đầu tư để dịch và phát hành thì vẫn rất tốt vì nó làm tăng nguồn cung, có thêm nhiều lựa chọn cho các giáo viên và các trường.

Xin cảm ơn ông!

Lê Huyền (thực hiện)