Gắn bó với nghề giáo gần 26 năm, được nhiều thế hệ học sinh yêu mến vì phương pháp giảng dạy môn Văn sáng tạo và sâu sắc, cô giáo Nguyễn Kim Anh, trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội cho rằng, những đổi mới thể hiện trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này không bất ngờ.
Đổi mới: Rất cần
Trực tiếp đứng lớp liên tục gần 26 năm, tôi hiểu về nghề và cũng hiểu được những trăn trở của đồng nghiệp.
Từng ngày, từng giờ, giáo viên chúng tôi đã thấy việc học nhiều kiến thức mang tính hàn lâm, lý thuyết không còn thực sự hấp dẫn với đa số học sinh. Xu thế xã hội, yêu cầu đối với người công dân toàn cầu đòi hỏi phải đổi mới chương trình để phát triển năng lực cho học trò.
Giáo viên ở bất cứ vùng miền nào, trường nào cũng đều nhận thấy học sinh khóa sau lại ngại học thuộc, ít nhớ kiến thức hơn khóa trước.
Cũng có nhiều kiến thức học ở nhà trường rất ít và thậm chí hầu như không ứng dụng trong thực tế. Trong khi đó, rất nhiều điều cần biết để vận dụng vào thực tế thì học sinh chưa từng được nghe, được học tại trường.
Vì vậy đổi mới thực sự là cần. Vấn đề chỉ còn là đổi mới thế nào.
Theo dự thảo, bộ môn mà tôi tham gia giảng dạy vẫn là môn đi cùng học sinh suốt 12 năm học phổ thông. Tuy nhiên, mục tiêu của môn học đã rộng mở và gắn chặt hơn với đời sống, nhấn mạnh vào mục đích giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp và năng lực thẩm mỹ, chứ không tập trung vào cung cấp kiến thức văn học và ngôn ngữ.
Ngữ văn là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12 với nội dung cốt lõi bao gồm các mạch kiến thức và kỹ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Việt và văn học, phù hợp với các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học. Trong chương trình giáo dục phổ thông, nội dung môn Ngữ văn được phân chia theo hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Chúng tôi có những lo lắng nhất định và thấy cần tự nỗ lực hơn nữa. Môn nào cũng đều phải thay đổi để thích ứng và đáp ứng yêu cầu mới. Môn Ngữ văn cũng vậy, đó là việc chú trọng khả năng vận dụng bộ môn vào đời sống, chứ không chỉ chú tâm đến khen và bình luận tác phẩm văn chương.
Tôi nghĩ đó là bước tiến. Mỗi giáo viên dạy Ngữ văn sẽ phải nỗ lực vượt lên cái “mê văn” của riêng mình để văn là đời và học sinh học văn là học để sống.
Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo không quá khó
Tôi may mắn được giảng dạy ở một ngôi trường tự chủ tài chính, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được đưa vào chương trình đã nhiều năm qua và chúng tôi đều thấy rõ đây không phải là môn học mà là phương pháp học, một hoạt động giáo dục.
Việc học sinh được đưa đi trải nghiệm tại chiến trường xưa, đến thăm các nghĩa trang liệt sĩ, về quê hương danh nhân, tới các làng nghề, các cơ sở sản xuất của địa phương là vô cùng cần thiết.
Như học sinh trường chúng tôi đi trải nghiệm liên môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng 3 ngày 2 đêm giữa lòng đất nước, tại miền Trung thân thương là vô cùng ý nghĩa.
Một lần đứng bên nhau, hát Quốc ca từ trái tim mình giữa bạt ngàn bia mộ ở nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang Đường Chín thì khó có thể có một bài Văn, bài Sử… nào trên lớp đem đến được những cảm xúc ấy.
Tôi cho rằng hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một nội dung rất quan trọng và hữu ích, là điểm mới đáng ghi nhận tại dự thảo chương trình lần này. Cá nhân tôi cho rằng việc tổ chức dạy và học sẽ không gặp khó khăn.
Không bất ngờ nhưng có lo lắng nhất định
Chương trình tổng thể mới đây được đưa ra để lấy ý kiến dư luận nhưng đã có sự chuẩn bị từ lâu và chúng tôi cũng đã ít nhiều nắm được tinh thần. Việc yêu cầu giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn, tạo môi trường học tập thân thiện cho học sinh để đáp ứng chương trình mới thực chất không hề xa lạ. Tất cả đã có lộ trình từ mấy năm nay.
Tôi nghĩ, hiệu trưởng các nhà trường sẽ là người hiểu cơ sở mình quản lý nhất nên có thể truyền tải tốt nhất “đường lối đổi mới” của nhà trường. Đã là đổi mới thì chắc sẽ có thời kỳ chênh vênh giữa cũ và mới, nên cần công khai “lộ trình”. Cùng với đó là qua thực tế nhìn nhận những chỗ vướng mắc, chưa hợp lí để điều chỉnh phù hợp và kịp thời.
Nhiều trường và nhiều địa phương đi đầu đã thí điểm một số phương pháp giáo dục mới nên không “bất ngờ” trước những đổi mới được dự kiến trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông vừa công bố, nhưng vẫn có những lo lắng nhất định.
Theo tôi cần phải đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo khó vì những vùng này khó khăn hơn nên đổi mới sẽ chậm hơn, gặp nhiều khó khăn hơn.
Hoàng Thanh (Ghi)
Các ý kiến trao đổi về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, mời các bạn gửi theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn |