Sau khi rộ lên việc Singapore trả hàng chục tàu điện ngầm “made in China” về nơi sản xuất vì lỗi, rất nhiều nước và lãnh thổ đã mua loại tàu này của Trung Quốc cũng “tá hỏa”.
Hong Kong được cảnh báo sớm nhưng vẫn mua
Khoảng đầu tháng 7 này, phóng sự điều tra của tờ Factwire (Hong Kong) đưa tin Singapore âm thầm trả hàng chục tàu điện ngầm “made in China” về nơi sản xuất vì lỗi. Sau Singapore, Hong Kong và Philippines cũng mua tàu điện từ Trung Quốc, nhiều bí ẩn trong các thương vụ mua bán tàu điện với Trung Quốc dần lộ diện.
Đầu tiên, Tập đoàn Tàu điện (MTR Corporation) của Hong Kong, đơn vị mua cùng loại tàu giống Singapore từ Công ty Locomotive & Rolling Stock Qingdao thuộc Tập đoàn Đường sắt Phía Nam Trung Quốc (CSR).
Tờ Bưu điện Hoa Nam trích lời một quan chức đường sắt cấp cao của Hong Kong cho biết, Hong Kong từng nghi ngờ về quy trình quản lý chất lượng của CSR vì họ phát hiện ra vật liệu hợp kim nhôm dùng để sản xuất thân của 26 tàu mà hãng này bán cho Singapore năm 2011 bị pha tạp. Trong khi đây chính là những nguyên nhân gây nứt dăm trên thân tàu và nứt ở các bộ phận quan trọng trên tàu mà Singapore phát hiện năm 2013.
Hong Kong, Philippines nghi ngờ tham nhũng trong các hợp đồng mua tàu điện từ Trung Quốc |
Chuyên gia này phân tích: “Không quan trọng vật liệu đó đến từ đâu, nhà sản xuất sẽ phải tự phân tích hợp kim để đảm bảo, vật liệu được sử dụng hoàn toàn không bị pha tạp… Do đó, chúng tôi nghĩ, quy trình quản lý chất lượng còn có nhiều vấn đề”. Điều đáng nói, dù đã kết luận như trên nhưng kỹ thuật viên cấp cao của Hong Kong không báo cáo lên Ban quản trị, vì họ nghĩ đó không phải vấn đề quan trọng.
Bên cạnh đó, người ta còn phát hiện, Tập đoàn Tàu điện (MTR Corporation) của Hong Kong đã được phía Singapore cảnh báo về chất lượng tàu điện của Trung Quốc trước khi đặt bút ký hợp đồng. Cơ quan Giao thông và Nhà cửa cho biết, Phòng Dịch vụ cơ khí và điện đã nhận được thông tin về chất lượng tàu Trung Quốc từ phía Singapore vào tháng 4/2014 (trong đó có đề cập đến tình hình tàu bị nứt dăm ở phần thân mà phía Singapore phát hiện năm 2013). Nhưng cuối cùng MRT Corp vẫn chấp nhận ký hợp đồng khổng lồ trị giá 6 tỉ đôla Hong Kong để mua 93 tàu điện từ Trung Quốc đại lục.
Nghi ngờ tham nhũng
Giải thích nghi ngờ này, Tiến sĩ Jacob Kam Chak-pui, Giám đốc Quản lý MRT cho biết, năm 2014, dù đã được cảnh báo nhưng phía cơ quan này đã kết luận các tàu điện ngầm mà CSR Sifang giao cho Singapore không xảy ra vấn đề an toàn nào, nên Hong Kong tiếp tục cho phép Công ty CSR Sifang đấu thầu. Phía Hong Kong đã bỏ qua các “vấn đề nhỏ” đó trong quá trình tiến hành lựa chọn nhà thầu.
Song ông Kam thừa nhận, cơ quan này không thực hiện các thủ tục điều tra như gặp gỡ các nhà cung cấp, thăm nhà máy trong quá trình xét thầu vào cuối năm 2014, vì cho rằng thủ tục này là không cần thiết. Ông Kam lý giải: “Đội kỹ thuật của chúng tôi rất dày dạn kiến thức về thị trường nên không cần thiết phải tiến hành thêm thủ tục đó”.
Mặt khác, khi được hỏi, có phải Hong Kong chọn nhà thầu đại lục vì giá rẻ nhất, ông Kam khẳng định, họ chọn nhà thầu mang đến giá trị tốt nhất dựa trên giá trị, năng lượng và độ bền của sản phẩm chứ không “hy sinh chất lượng và an toàn chỉ vì giá rẻ”. Song, các nghị sĩ Hong Kong không đồng tình với lời giải thích từ phía MRT. Nghị sĩ Gary Fan Kwok-wai, người từng trực tiếp đặt câu hỏi về vụ việc này tại Quốc hội nghi ngờ: “Cơ quan chức năng cần giải thích rõ tại sao họ lại trao hợp đồng đó cho nhà sản xuất Trung Quốc mà không tiến hành thủ tục điều tra công nghiệp đầy đủ. Liệu cơ quan chức năng đã đánh giá sai hay tồn tại tham nhũng trong vụ việc này?
Nhận “lại quả” 5%
Không riêng Singapore, Philippines khi mua 48 tàu điện từ Tập đoàn Đường sắt Phía Bắc Trung Quốc (CNR) Dalian với giá 3,76 tỉ peso (80 triệu USD) cũng gặp một số vấn đề về chất lượng. Sau vụ Singapore trả tàu lỗi về Trung Quốc, người dân Philippines cũng đặt câu hỏi, tại sao Chính phủ không làm tương tự.
Sự việc bắt đầu khi Trung Quốc gửi tàu mẫu tới Philippines vào tháng 8/2015. Nhưng tàu này không có động cơ kéo (vi phạm Điều khoản tham chiếu trong hợp đồng đấu thầu), đồng thời không được chạy thử tại Trung Quốc 5.000km ở tất cả các tốc độ, góc cua, đường dốc. Ngoài ra, tàu cũng không có hệ thống bảo vệ tự động (ATP), có thể ngắt điện và mở cửa trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý tàu điện MRT-3 của Philippines vẫn chấp nhận.
Tiếp đó, theo hợp đồng, khi Philippines chấp nhận tàu mẫu, 47 toa tàu được giao trong 17 tháng. Tính đến tháng 7/2016, lẽ ra Trung Quốc phải giao 12 - 15 tàu nhưng thực tế chỉ mới có 8 tàu. Cũng giống như tàu mẫu, 8 con tàu này không được chạy thử 5.000km, không có hệ thống ATP… Không chỉ vậy, cựu Tổng Giám đốc MRT-3 Al Vitangcol cho biết, số tàu này còn thiếu Hệ thống liên lạc trên tàu (OBC) và Công ty Dalian cũng không cung cấp mô hình để đào tạo lái tàu của Philippines. Nhưng mọi việc vẫn ổn thỏa trong im lặng.
Đáng chú ý, Tổng giám đốc MRT-3 Al Vitangcol tiết lộ thông tin, phía Philippines đã nhận “lại quả” từ Công ty Dalian 5% giá trị hợp đồng. Tờ PhilStar của Philippines đặt nghi vấn vì sao không điều tra, không trả tàu lỗi về nơi sản xuất như Singapore đã làm và nghi ngờ nội tình có khả năng tham nhũng. PhilStar nói: “Ban quản lý tàu điện đang chơi đùa với mạng sống của con người”.
(Theo Báo Giao thông)