Vào thời gian này, với sự giúp đỡ của Liên Xô, quân đội Ai Cập đã được xây dựng khá mạnh, nhất là lực lượng không quân và phòng không.
Cuộc chiến khốc liệt
12 giờ ngày 6/10/1973, quân đội Ai Cập bắt đầu cuộc chiến bằng màn hoả lực dài 53 phút với 2.000 khẩu pháo, cối, cùng 700 máy bay đánh phá các mục tiêu quan trọng của Israel ở Sinai. Đồng thời, người nhái bơi qua kênh Suez để phá gỡ các xen-xơ, dây điện thoại của Israel.
Sau khi bắn mở màn, pháo binh Ai Cập chuyển làn bắn phá tuyến phòng thủ thứ hai ở sâu về phía đông của Israel. Pháo đi cùng của bộ binh và pháo xe ở bờ phía tây kênh Suez thay thế pháo binh bắn phá tuyến 1.
Trong khi pháo binh bắn phá, từ các trạm bơm nổi ở giữa kênh, công binh dùng vòi rồng bắn những cột nước có áp lực cao để phá con đê cát của Israel, sau gần 5 giờ mở được 77 cửa rộng 6m, dài 200m (chiều rộng con đê), với khối lượng 640.640 tấn cát.
Pháo binh Israel tham chiến. Ảnh: Modern War Institute - West Point |
Khi các cửa mở xong, xe bọc thép chở bộ binh vượt kênh đánh chiếm và mở rộng đầu cầu. Thuyền cao su và phà chở các toán bộ binh mang tên lửa chống tăng sang tăng cường cho lực lượng giữ đầu cầu. Cùng lúc, công binh dùng thuốc nổ và máy húc san hai bờ kênh để chuẩn bị bắc cầu. 15h30, cầu được bắc xong. Đến đêm, quân Ai Cập đã thiết lập được các trận địa đầu cầu vững chắc bên phía bờ đông kênh Suez.
Cũng trong giai đoạn mở đầu này, Ai Cập dùng trực thăng đổ bộ 20 tiểu đoàn biệt kích vào hậu phương Israel, tiến công sở chỉ huy tiền phương, căn cứ không quân, đồng thời phục kích, đánh chặn các đoàn xe của Israel trên các trục đường chính gây hỗn loạn ở hậu phương. Bị tấn công bất ngờ, phải mất 40 phút, không quân Israel mới xuất kích.
Tới ngày thứ 7, thứ 8, Ai Cập vẫn tổ chức vượt sông. Ngày thứ 9, họ đột phá tuyến thứ 2 của Israel (cách bờ kênh khoảng 5-10 dặm), kiểm soát toàn bộ bờ đông kênh đào và thâm nhập sâu vào khu vực phòng ngự từ 3 đến 10 dặm. Sau khi tiến cách xa các ô phòng không cố định, Ai Cập chuyển sang phòng ngự.
Do sơ hở trong phòng ngự giữa quân đoàn II và quân đoàn III của Ai Cập, lợi dụng thu được 15 chiếc tăng T-62 của Ai Cập, Israel đã sử dụng lực lượng này vượt qua cầu mà không bị quân Ai Cập ngăn chặn. Đại đội tăng này tổ chức phòng thủ ngay ở đầu cầu, Ai Cập buộc phải phá huỷ cầu và điều sư thiết giáp đến ngăn chặn. Sau đó đã diễn ra trận bao vây kỳ quặc: 2 lữ đoàn tăng và một lữ đoàn dù của Israel tổ chức bao vây quân đoàn III của Ai Cập gồm 20.000 quân và 2.000 xe tăng (lực lượng bao vây nhỏ hơn nhóm bị bao vây).
Sau khi được Mỹ viện trợ, Israel mở cuộc phản công, phía Ai Cập thiệt hại nặng. Ngày 23/10, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hghị quyết ngừng bắn. Các nước tham chiến lần lượt kí với nhau các hiệp định đình chiến riêng rẽ. Cuộc chiến Ai Cập – Israel kết thúc.
Sự chủ quan, khinh địch
Ai Cập đã hoàn thành dù chưa đầy đủ mục tiêu chiến lược hạn chế của họ, và lần đầu tiên đánh bại quân đội Israel. Còn Israel bị tổn thất nặng nề với 2.552 người chết và mất tích, trong đó có 1 tướng, 2 đại tá, 25 trung tá, 80 thiếu tá; 900 xe tăng bị phá hủy, 220 máy bay bị bắn rơi..
Phía Ai Cập giành được thắng lợi trong giai đoạn đầu, do chuẩn bị chu đáo, tỷ mỉ, xây dựng công sự trận địa vững chắc, tổ chức lực lượng phòng không nhiều tầng, nhiều hướng; Tổ chức tốt hành động nghi binh rộng khắp, tạo bất ngờ cho đối phương, tung hoả mù đánh lừa được tình báo Israel về phán đoán chiến lược, tạo được thế bất ngờ về chiến dịch và chiến lược.
Đặc biệt, Ai Cập đã tiến công vào tháng mà Israel có nhiều ngày lễ, làm cho Israel không kịp tổng động viên lực lượng vì sợ dân chúng hoang mang.
Tuy nhiên, giai đoạn sau Ai Cập đã để mất quyền chủ động, hệ thống phòng không bị phá vỡ một mảng, không làm chủ được chiến trường. Bộ binh có đủ tên lửa phòng không và chống tăng, nhưng kém cơ động linh hoạt so với quân đội Israel. Tổ chức hiệp đồng tác chiến không tốt, do đó một số máy bay Ai Cập đã bị chính quân nhà bắn rơi.
Phía Israel có ưu thế về kỹ thuật nhưng do sai lầm chủ quan khinh địch, tự mãn với thắng lợi giành được trước đây nên đã bị bất ngờ về chiến dịch - chiến thuật. Hội đồng quân sự cũng như Chính phủ Israel đều cho rằng, Ai Cập không đủ sức tiến công Israel, không có khả năng vượt kênh đào và do đó không đủ sức lao vào cuộc chiến.
Mặc dù cơ quan tình báo Israel có báo cáo về sự điều động quân đội Ai Cập – Syria ở biên giới cũng như có hiện tượng chuẩn bị tiến công, song các nhà lãnh đạo và giới quân sự Israel lại đánh giá đó chỉ là hành động “hâm nóng” khu vực biên giới. Chính vì thế, các sĩ quan Israel được phái đi công tác hoặc nghỉ phép.
Thậm chí, khi cuộc chiến đã nổ ra, bộ chỉ huy Israel vẫn chủ quan tính toán rằng, ít nhất Ai Cập phải mất 12 giờ để bộ binh vượt kênh đào và 24 giờ mới bắc xong cầu phao cho xe tăng, chỉ cần một buổi sáng là đủ để không quân Israel phá các cầu phao và đánh chặn các mũi tiến công bằng xe tăng của Ai Cập. Trong khi đó, thực tế quân Ai Cập chỉ mất 3,5 giờ đã hoàn tất việc bắc xong cầu và xe tăng vượt qua kênh.
Nguyên Phong
Israel bị tố dùng siêu tiêm kích, tin tặc tấn công Iran
Nhật báo al-Jarida của Kuwait trích dẫn một nguồn tin cấp cao hé lộ, Israel bị nghi là thủ phạm đứng sau các vụ tấn công hai cơ sở quân sự và hạt nhân của Iran trong một tuần trở lại đây.
Những mạng lưới bí ẩn của cơ quan tình báo khét tiếng Israel
Cơ quan Tình báo Đối ngoại Israel (Mossad) được thành lập ngày 1/9/1951 theo sắc lệnh của Thủ tướng đương thời David Ben Gourion.