Tự chọn thuật toán đánh chặn

Hệ thống tên lửa phòng không S-350 Vityaz của Nga đã bắn hạ máy bay Ukraine trong vùng tác chiến đặc biệt ở chế độ hoàn toàn tự động mà không có sự tham gia của người điều khiển. Hãng thông tấn Nga RIA Novosti đưa tin, đây là lần đầu tiên trên thế giới, phương thức hoạt động này đã được thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu thực tế.

“Vityaz là hệ thống phòng không đầu tiên trên thế giới hoạt động tự động trong điều kiện tác chiến thực tế mà không có sự tham gia của người điều khiển. Hệ thống có khả năng, phát hiện, theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu trên không Ukraine. Tên lửa từ Vityaz đã bắn hạ một số máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Ukraine”, trích tuyên bố của người phát ngôn RIA Novosti.

S-350 trở thành hệ thống phòng thủ tên lửa đầu tiên trên thế giới bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu đối phương ở chế độ "tự động"

Một nguồn tin giấu tên giải thích rằng chế độ tự động của hệ thống được triển khai dựa trên “nguyên tắc con người không can thiệp các quyết định được AI (trí tuệ nhân tạo) của tổ hợp đưa ra trong tình huống chiến đấu”, do đó nó được toàn quyền chọn thuật toán để đối phó với mối đe doạ đang tấn công.

Ngoài ra, Vityaz có tuỳ chọn hoạt động đồng thời ở chế độ radar chủ động và thụ động - phương pháp về cơ bản nâng cao tính năng chống nhiễu của tổ hợp và khả năng phát hiện cũng như phân loại mục tiêu.

Vào tháng 8/2022, bằng chứng trực quan xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy hệ thống phòng không S-350 Vityaz đã được triển khai tại một căn cứ không quân cách biên giới Ukraine chưa đầy 40 dặm chỉ vài ngày sau khi Ukraine bắt đầu tấn công các cơ sở quân sự của Nga ở Crimea.

Ở chế độ "tự động", AI tích hợp trên hệ thống được toàn quyền lựa chọn thuật toán đánh chặn các mối đe doạ trên bầu trời

Giới phân tích quân sự nhận định các thành phần của S-350 bao gồm một radar điều khiển hỏa lực 50N6A, một radar thu thập thông tin 96L6-TsP, cũng như hai bệ phóng tên lửa, có thể là bệ phóng-lắp-vận chuyển 50P6 (TEL) và phương tiện phóng/nạp đạn tương tự 50P6T.

Vào thời điểm đó, các nhà quan sát quân sự lưu ý rằng đoạn video rất có thể được quay tại Căn cứ không quân Taganrog, gần thành phố cảng cùng tên ở tỉnh Rostov trên Biển Azov. Một số báo cáo trực tuyến ám chỉ rằng S-350 đã tham gia rộng rãi vào cái gọi là khu vực 'Chiến dịch quân sự đặc biệt'.

“Khắc tinh” các loại tên lửa hành trình 

S-350 Vityaz là hệ thống tên lửa phòng không đa kênh di động được phát triển bởi Almaz-Antey dành cho lực lượng tên lửa phòng không của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga. Nó được thiết kế để bảo vệ các cơ sở nhà nước, hành chính, công nghiệp và quân sự cũng như lực lượng quân sự khỏi các cuộc tấn công bằng vũ khí đường không hiện đại và tiên tiến.

Dự án phát triển hệ thống này bắt đầu vào đầu những năm 1990, thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2013 và bắt đầu chuyển cho quân đội Nga sử dụng kể từ tháng 12/2019.

S-350 Vityaz có chức năng tương tự như Patriot (ảnh) nhưng đã được cải tiến về tốc độ tên lửa đánh chặn và khả năng diệt mục tiêu tầm thấp

Theo một số nguồn tin, S-350 Vityaz có thể đánh chặn mục tiêu đạn đạo trong phạm vi 25km và các mục tiêu khí động học trên không, như máy bay, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và các thiết bị khác, ở phạm vi tối đa từ 120 đến 150km. Tên lửa Vityaz có thể di chuyển với tốc độ tối đa 2 km/giây.

Trước đó, vào tháng 2, đại diện phòng thiết kế của Tập đoàn phòng không Almaz-Antey tuyên bố S-350 Vityaz có thể được tích hợp vào các hệ thống phòng không của nước ngoài. Nhà sản xuất cũng nhấn mạnh tính toàn diện của tổ hợp, hỏa lực được tăng cường, khả năng chứa đạn cao hơn cho tên lửa dẫn đường phòng không (gấp 4 lần so với S-400) cũng như khả năng sống sót trên chiến trường

Không chỉ vậy, các chuyên gia quân sự Nga gọi Vityaz là “sát thủ” của tên lửa Tomahawk (Mỹ) và Storm Shadow (châu Âu). Họ cũng đề xuất tạo ra “một chiếc ô” phòng thủ toàn diện cho nước Nga bằng cách kết nối các hệ thống phòng thủ tên lửa Prometheus, Pantsir cùng một số cái tên khác thành một mạng thống nhất.

So với hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất, giới phân tích nhận định S-350 Vityaz tương đương về đặc điểm chức năng, song tên lửa của Nga có tốc độ bay nhanh hơn và có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay thấp.

“Patriot không thể bắn hạ mục tiêu bay ở độ cao dưới 100 mét, trong khi ‘con mồi’ của Vityaz là những gì bay trên 10 mét”, Alexander Mikhailov, chuyên gia quân sự Nga khẳng định.

(Theo EurAsian Times)

Ukraine trở thành ‘sàn đấu’ công nghệ quân sự Nga - Mỹ

Ukraine trở thành ‘sàn đấu’ công nghệ quân sự Nga - Mỹ

Chiến trường Ukraine tiếp tục nóng bỏng những ngày vừa qua khi vũ khí Nga có dịp đối đầu trực diện hơn với những công nghệ quân sự tiên tiến của Mỹ và NATO, điển hình là cuộc “so găng” giữa tên lửa vượt âm Kinzhal và hệ thống phòng thủ Patriot.