Theo tập đoàn nhà nước Rostec của Nga, máy bay tàng hình thế hệ thứ năm Su-57 (Felon) sẽ được trang bị hệ thống liên lạc hỗ trợ AI trong bối cảnh các nhà sản xuất chạy đua xây dựng tính năng tự hành cho các chiến đấu cơ.

“Thiết bị được thiết kế dành cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm”, trích thông báo của Rostec trên website chính thức. “Việc sử dụng công nghệ này giúp cải thiện chất lượng truyền thông tin giữa máy bay và các tổ hợp dưới mặt đất”.

Lợi thế trong tác chiến điện tử

Các thiết bị tích hợp AI có thể tạo ra lợi thế lớn cho chiến đấu cơ khi tham gia tác chiến điện tử. Ví dụ, hệ thống liên lạc trên máy bay có thể tự động tìm kiếm những kênh sóng hiệu quả nhất quanh khu vực lân cận, cùng tính năng chống nhiễu hoặc gây nhiễu.

“Thiết bị đảm bảo độ tin cậy trong truyền tải thông tin nhờ các tính năng như mã hoá chống nhiễu, đan xen các ký hiệu trong nội dung, đồng bộ hoá quy trình xử lý tín hiệu, truyền đồng thời tin nhắn qua các kênh song song, cũng như tăng phạm vi liên lạc ổn định…”, tập đoàn của Nga cho hay.

Su-57 của Không quân Nga được nâng cấp đáng kể với cập nhật tích hợp AI

Bộ liên lạc radio mới không phải là cập nhật AI đầu tiên dành cho Su-57. Trước đó, chiến đấu cơ hàng đầu của không quân Nga đã được trang bị hệ thống AI hỗ trợ phi công đưa ra quyết định trên chiến trường.

Su-57 là máy bay chiến đấu đa năng tàng hình hai động cơ do hãng Sukhoi phát triển cho lực lượng hàng không vũ trụ Nga, được đưa vào sử dụng lần đầu tiên kể từ năm 2020, với mục tiêu thay thế dần các máy bay MiG-29 và Su-27.

Chiến đấu cơ thế hệ thứ năm của Nga đang trong cuộc đua nâng cấp để trở thành một trong những phương tiện đầu tiên có thể bay với sự trợ giúp của AI. Trong khi đó, quân đội Mỹ hi vọng các máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của họ sẽ được trang bị tuỳ chọn bay không cần phi công.

AI cũng có thể giúp chia sẻ thông tin và phối hợp hành động giữa các máy bay tấn công. Chẳng hạn, Vương quốc Anh, Ý và Nhật Bản đang phát triển chiến đấu cơ mới có tên Tempest sử dụng thuật toán AI để tương tác và phối hợp chiến đấu giữa các đồng minh. Ngoài ra, nó cũng có tuỳ chọn bay không cần phi công điều khiển nhờ hệ thống máy tính mới.

“Cởi mở” hơn với việc sử dụng AI 

Chương trình chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) của lực lượng Không quân Mỹ nhằm mục đích phát triển dòng máy bay chiến đấu tiếp nối thành công của F-22 Raptor do nhà thầu vũ khí Lockheed sản xuất. Các mục tiêu của chương trình này bao gồm máy bay tự lái và những tính năng khác có thể đem lại lợi thế trong các tình huống chiến đấu ngặt nghèo trên chiến trường.

“Chúng tôi nhận thấy các phi đội chiến đấu đang chấp nhận nhiều mức độ tự do hơn đối với các hệ thống tự hành, không chỉ trong tuần tra, mà có thể là hệ thống tín hiệu nhiệm vụ, tác chiến điện tử hay liên lạc chức năng khác”, tướng Mark Kelly, chỉ huy Bộ tư lệnh Không quân chiến đấu nói với National Defense.

Cuộc thử nghiệm cho thấy làn sóng máy bay phản lực điều khiển hoàn toàn bằng máy tính sắp diễn ra thời gian tới

Một “đặc vụ” AI gần đây đã lái chiến đấu cơ có tên VISTA X-62A do Lockheed Martin chế tạo trong hơn 17 giờ tại Trường Phi công thử nghiệm của lực lượng Không quân Mỹ ở căn cứ Edwards (California), đánh dấu lần đầu tiên AI được sử dụng trên máy bay chiến thuật.

Máy bay thử nghiệm VISTA được xây dựng dựa trên chiến đấu cơ F-16D Block 30 Peace Marble II đã sửa đổi, trang bị phần mềm cho phép nó bắt chước khả năng hoạt động như các máy bay khác.

Không chỉ trong quân sự, AI cũng thu hút sự quan tâm của các công ty cung cấp công nghệ dịch vụ. ShieldAI, một startup trong ngành cho biết, phần mềm Hivemind của họ là một phi công AI “lưỡng dụng” cả cho thương mại và quân sự, có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ xâm nhập hệ thống phòng không cho đến chiến đấu trên không.

Cách đây vài năm, CEO SpaceX Elon Musk nói rằng, máy bay chiến đấu sẽ sớm lỗi thời trước những tiến bộ AI. Song, giới chuyên gia quân sự nhận định công nghệ này vẫn còn chặng đường dài mới có thể thay thế hoàn toàn phi công con người.

(Theo PopMech)