Chiều 22/5, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết các bệnh nhân ngộ độc botulinum đang được theo dõi gồm 2 anh em ruột (26 tuổi và 18 tuổi) cùng một người đàn ông 45 tuổi.

Ba người bệnh đều ngụ tại TP Thủ Đức (TP.HCM). Trong đó, 2 anh em ruột điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, người còn lại ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định. 

“Ban đầu, chỉ có 2 ca thở máy nhưng đến nay, cả 3 bệnh nhân đều có sức cơ 0/5-1/5, gần như liệt hoàn toàn và phải thở máy”, bác sĩ Hùng nói. Đây là các ca ngộ độc bolutinum xuất hiện ngay sau khi 3 trẻ nhỏ nhập viện vì ăn chả lụa bán dạo. 

Việt Nam cạn thuốc giải BAT, Bộ Y tế đã liên hệ các đơn vị liên quan để xử lý. Ảnh: BVCC. 

Theo bác sĩ Hùng, nguyên nhân khiến bệnh nhân bị liệt là do độc chất botulinum. Thuốc giải sẽ được sử dụng hiệu quả nhất khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng yếu liệt, giúp trung hòa chất độc.

Trong trường hợp không có thuốc giải, độc tố tiếp tục tấn công bệnh nhân. Botulinum tấn công vào hệ thống thần kinh khiến dẫn truyền không còn, các cơ không điều khiển được và gây liệt. Khi liệt cơ hô hấp, bệnh nhân sẽ suy hô hấp, tử vong nếu không được điều trị hỗ trợ. 

"Trong tình huống có thuốc giải độc, hiệu quả còn phụ thuộc vào lượng độc chất mà bệnh nhân ăn phải và việc sử dụng thuốc giải có kịp thời, đúng lúc hay không", bác sĩ Hùng nói.  

Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được thông tin về việc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tạm hết thuốc giải độc tố botulinum.

Cục đã liên hệ với đơn vị nhập khẩu và được biết Bệnh viện Chợ Rẫy đã trao đổi với công ty về việc đặt hàng. Nhà nhập khẩu đã liên hệ với nhà cung ứng nước ngoài để làm các thủ tục nhập khẩu.

Thuốc giải độc tố botulinum được xếp vào hàng rất hiếm. Mỗi năm, cả nước chỉ có vài ca bệnh nên các bệnh viện thường không dự trù đủ. Tuy nhiên, nguồn cung thuốc giải độc tố botulinum vẫn có, các bệnh viện sẽ liên hệ để đặt hàng.

Cục cũng đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong tình huống không mua được thuốc sẽ nhờ hỗ trợ từ WHO.

Trước đó, 2 lọ thuốc giải đặc hiệu BAT cuối cùng đã được truyền cho 3 trẻ em ngộ độc botulinum sau khi ăn chả lụa. Các em đang được điều trị và theo dõi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM.