Tình hình kinh tế, xã hội phát triển hình thành nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế..., số lượng các công trình đa chức năng kết hợp giữa nhà cao tầng và tầng hầm ngày càng nhiều. Kéo theo đó là các vụ cháy, nổ gia tăng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Thực tế cũng khiến quá trình chữa cháy, cứu nạn cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng gặp không ít khó khăn. Điều này đòi hỏi cần hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát PCCC&NCH để nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Vì thế, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động tham mưu, làm tốt công tác PCCC&CNCH, bảo vệ tính mạng của nhân dân, tài sản của Nhà nước, góp phần giữ gìn an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Trên thực tế, công tác PCCC&CNCH luôn được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an quan tâm toàn diện, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng, chiến lược.
Bộ Công an ban đã hành nhiều chỉ thị, thông tư, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn toàn diện các mặt nghiệp vụ PCCC&CNCH. Bên cạnh đó, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực PCCC&CNCH được xây dựng, hoàn thiện với trên 200 quy chuẩn, tiêu chuẩn trực tiếp và liên quan. Qua đó, tạo hành lang pháp lý vững chắc trong việc tổ chức thực hiện. Vì vậy, việc triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, công tác PCCC&CNCH đã đạt những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như nhiều cơ sở sản xuất dây chuyền đã cũ, lạc hậu, dẫn đến trong quá trình hoạt động phát sinh nguy cơ cháy, nổ cao; quy mô sản xuất càng mở rộng dẫn đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu, khí đốt, năng lượng điện, vật tư hàng hóa dễ cháy ngày càng tăng, nguy cơ cháy, nổ càng hiện hữu.
Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật PCCC&CNCH của một bộ phận người dân, người đứng đầu cơ sở chưa cao, tại nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh còn tình trạng cắt giảm kinh phí, chi phí đầu tư cho việc đảm bảo an toàn PCCC&CNCH; các cơ sở chưa thực sự chủ động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH cho người lao động để xử lý sớm các tình huống khi cháy, nổ xảy ra.
Cảnh sát PCCC&CNCH là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH, tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ còn thiếu. Qua khảo sát, đánh giá thực tế cho thấy, quân số tại các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH chưa bảo đảm yêu cầu thực tiễn; mạng lưới các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH còn mỏng; tại một số Công an cấp huyện, cán bộ, chiến sĩ ngoài thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH còn kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ khác.
Phương tiện phục vụ công tác chữa cháy, CNCH tại nhiều địa phương còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; nhiều phương tiện, thiết bị đã xuống cấp, hết hạn sử dụng, không đảm bảo để chữa cháy, CNCH. Theo thống kê, số xe chữa cháy đã sử dụng trên 20 năm chiếm khoảng 27,1% tổng số xe, xe chất lượng kém, hư hỏng chiếm tới 33,9%; phương tiện, thiết bị bảo vệ cá nhân cán bộ, chiến sỹ khi tham gia chữa cháy, CNCH chưa mang tính chuyên dụng, đặc biệt là khi chữa cháy, CNCH trong điều kiện nhiệt độ cao, đám cháy hóa chất hoặc khi CNCH đối với các sự cố tai nạn dưới tầng hầm, hố sâu, các công trình cao tầng, siêu cao tầng…
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên đặt ra nhiệm vụ cấp thiết phải xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH hiện đại trong giai đoạn hiện nay cần có đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có trình độ, được đào tạo chuyên sâu. Được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện khoa học – kỹ thuật hiện đại; có hệ thống lưu trữ, tra cứu sử dụng các thông tin tư liệu khoa học hoàn chỉnh, hiện đại, ứng dụng những tiến bộ của công nghệ thông tin, thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ phục vụ hiệu quả yêu cầu công tác, chiến đấu.