Tính đến giữa năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Hà Tĩnh giảm còn 3,01%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 3,37%. Con số này năm 2019 lần lượt là 4,53% và 5,06%.

Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã linh hoạt trong cách triển khai các nội dung trong Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nghèo thông qua dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Năm qua, toàn tỉnh đã triển khai 160 mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế. Mỗi mô hình có mức hỗ trợ từ 100-200 triệu đồng, hỗ trợ cho 15-20 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. 

Các mô hình chủ yếu là hỗ trợ giống, thức ăn, chuồng trại chăn nuôi gà, chăn nuôi bò, nuôi ong lấy mật, trồng cam, ổi… ở các huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Vũ Quang... Gần 600 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có người khuyết tật không có sinh kế ổn định được hỗ trợ trong năm qua.

W-ha tinh giam ngheo.jpeg
Nhiều nông dân tại Hà Tĩnh được hỗ trợ các mô hình sinh kế, sớm thoát nghèo. 

Theo thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH thành phố Hà Tĩnh, nhờ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, địa phương đã phân bổ gần 2,5 tỷ đồng hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo xây dựng 15 mô hình sinh kế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giúp hộ nghèo thoát nghèo. Đến nay, thành phố còn 377 hộ nghèo (tỷ lệ 1,22%) và 549 hộ cận nghèo (tỷ lệ 1,78%).

Gia đình anh Nguyễn Chính Thành (thôn Tiến Hưng, xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh) là hộ nghèo của xã từ 3 năm nay. Anh Thành là lao động tự do, hai vợ chồng đang phải nuôi 3 con nhỏ trong độ tuổi đi học nên cuộc sống càng chật vật. 

Cuối năm 2023, gia đình anh được hỗ trợ mô hình sinh kế từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với 160 con gà giống và thức ăn cho gà. Nhờ chịu khó chăm sóc, đến nay đàn gà sinh trưởng tốt.

Anh Thành vui mừng chia sẻ số tiền từ bán lứa gà này sẽ giúp gia đình có thêm một khoản cho các con đi học và có vốn để tiếp tục sản xuất. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, gia đình anh đã từng bước cải thiện cuộc sống và sớm thoát nghèo.

Cách nhà anh Thành không xa, gia đình ông Trần Đình Tuyết cũng là hộ nghèo với 8 khẩu, 2 vợ chồng đều đã 80 tuổi, không có thu nhập, con cái không có việc làm ổn định, các cháu đang tuổi ăn tuổi học. Chi phí trang trải cuộc sống mỗi ngày đã rất khó khăn nên gia đình ông Tuyết không có nguồn vốn để sản xuất. Bởi vậy, khi được hỗ trợ mô hình sinh kế gia đình ông rất vui mừng, ông xem đó là điểm tựa để gia đình phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Từ thực tế công tác giảm nghèo cho thấy, việc trao “cần câu” đã tạo nguồn sinh kế hiệu quả để người dân có điểm tựa vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Từ năm 2019 - 2024, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Hà Tĩnh đã hỗ trợ 7.300 mô hình sinh kế, giúp hộ nghèo có việc làm, phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Mỗi mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ từ 10 đến 15 triệu đồng. Dựa vào đặc điểm của từng địa phương, các mô hình sinh kế được triển khai như chăn nuôi, trồng trọt, thương mại, dịch vụ…

Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ, nhiều mô hình sinh kế đã phát huy hiệu quả kinh tế, có tính bền vững cao và sức lan tỏa lớn. Điển hình trong số này là mô hình nuôi gà của vợ chồng anh Trần Văn Thành ở thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà.

Theo đó, tháng 11/2023, gia đình anh Thành được hỗ trợ 145 con gà giống và một số thức ăn công nghiệp nhằm cải thiện sinh kế, từng bước thoát nghèo và nuôi 5 con ăn học. Sau 4 tháng nuôi, gia đình đã xuất chuồng lứa gà đầu tiên với lợi nhuận 30 triệu đồng. Nguồn thu này giúp họ có điều kiện tái đàn và có thêm nguồn chi tiêu trang trải cuộc sống. Hiện nay, hộ này đã tái đàn lứa thứ 2 với quy mô 150 con, dự kiến sẽ xuất bán trong 2 tháng tới.

Tính trên toàn huyện Lộc Hà, năm 2023, địa phương đã giảm được 398 hộ nghèo và 129 hộ cận nghèo, một phần nhờ triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Tại Hà Tĩnh, việc trao mô hình sinh kế nhằm hướng tới nâng cao nhận thức cho người dân trong quá trình đẩy mạnh chăn nuôi, góp phần nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Để các mô hình phát huy hiệu quả, Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây, con giống cho các đối tượng hưởng lợi; theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình tại các địa phương.