Ngày 15/12, Trường Quản trị và Kinh doanh, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ khai giảng và trao bằng tốt nghiệp các chương trình sau đại học năm 2024. Năm nay, trường có 54 thạc sĩ, tiến sĩ được trao bằng, trong đó có các học viên đến từ Mỹ và Hàn Quốc.
Chia sẻ tới các tân thạc sĩ, tiến sĩ, PGS.TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay trong bối cảnh AI và các tiến bộ về khoa học công nghệ đang dần lấy nhiều vị trí việc làm trong xã hội, AI vừa là bạn, vừa là đối thủ cạnh tranh, đôi khi có thể là “kẻ thù” ở đâu đó.
Do đó, việc của người học không phải lo lắng sẽ bị mất việc bởi AI mà phải tự trang bị các kiến thức nền tảng, kỹ năng cùng ý chí quyết tâm để AI không thể dẫn dắt, quyết định số phận mình.
“Nếu không muốn trở thành nô lệ cho công nghệ, chúng ta cần phải trang bị 4 loại kỹ năng gồm: tư duy logic, tư duy phản biện, tư duy chiến lược và tư duy sáng tạo”, PGS Hoàng Đình Phi nói.
Cũng theo PGS Phi, trong kỷ nguyên của AI, nếu các trường không có các trường phái học thuật và những “cái mới”, con người sẽ không thể lãnh đạo và làm chủ tương lai của mình, từ đó AI sẽ quản lý chúng ta.
Vì thế, Trường Quản trị và Kinh doanh thời gian qua đã phát triển hai trường phái học thuật là Quản trị kinh doanh tích hợp và Quản trị an ninh phi truyền thống. Trong tất cả các học phần, bài tập, luận văn, dự án đều hướng đến 4 loại tư duy logic, tư duy phản biện, tư duy chiến lược và tư duy sáng tạo.
Theo PGS Phi, việc đưa ra các chương trình đào tạo mới, liên ngành với những chuẩn đầu ra rất cao sẽ khiến AI không thể thay thế con người bởi người học sẽ là những lãnh đạo quản trị điều hành từ cấp phòng trở lên, trong khi AI chỉ có thể làm những công việc như một nhân viên văn phòng.
“Vậy nên, nếu được trang bị 4 loại tư duy như vậy, cho tới 100 năm sau, người học vẫn có thể tự tin không bị AI chiếm mất việc”, ông Phi nói.