Chiều 11/10, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ khai giảng năm học 2023-2024 với sự tham gia của gần 4.000 tân sinh viên khóa 73.

Chia sẻ với các tân sinh viên khóa 73, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bày tỏ: “Thầy biết các em vẫn đang nghe, đang chứng kiến, đang đối diện với những khó khăn, nhọc nhằn của nghề giáo và cả những cách nhìn nhận đa chiều, trong đó có cả những cách nhìn tiêu cực. Dẫu rằng, số đông thầy cô đang thầm lặng hi sinh và làm tốt bổn phận thiêng liêng của họ. 

Các em khóa 73 đang có mặt ở đây, hoàn toàn có quyền đến với nhiều ngành khác. Trước ngưỡng cửa cuộc đời đang mở ra thênh thang, nhưng các em đã chọn mái trường này, như lựa chọn một sự cống hiến, một sự dấn thân. Điều này đáng khâm phục biết bao”. 

nguyen van minh.jpg
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới 2023-2024.

Vị hiệu trưởng mong rằng các sinh viên sư phạm sẽ giữ vững niềm tin. 

“Giữa những tác động của thời cuộc, giữa những thực tại với nhiều trăn trở, lo toan; giữa những nốt trầm đang vang xa trong tâm tưởng mỗi người, có cả những âm vang của bi quan, chán nản… Tất cả đó sẽ dội vào tâm tư các em, có thể nó bào mòn niềm tin trong sáng của các em. 

Nhưng thử hỏi chỉ ngồi kêu ca, ngồi làm anh hùng bàn phím sẽ được gì hơn? Có bớt đi đói nghèo được chút nào không? Sao không nghĩ và làm một việc tốt hơn, chí ít cũng có ích cho chính mình. Tuổi 18 đôi mươi mà chỉ ngồi ủ dột, chỉ ngồi than nghèo, than khó thì chán quá chừng. Sự mục ruỗng trong tâm hồn không phải chỉ sự xâm thực của ngoại cảnh mà chính là do bản lĩnh mỗi người. Đừng đánh mất niềm tin, mất niềm tin là tiêu tan động lực”, ông Minh nhắn nhủ.

Cũng theo hiệu trưởng này, ngành giáo dục còn nhiều bất cập. Điều đáng nói là thay vì chỉ phê phán, sầu não hãy tìm thêm những giải pháp.

"Ngồi mà phán dễ lắm, sao không nghĩ cách làm? Rồi không chỉ có vậy, đem cái u uất, bi quan đó đi gieo vào trong lòng người khác, khiến họ thêm vơi bớt niềm tin. Thầy mong rằng, mỗi em, trước hết tạo cho chính mình niềm tin chân chính”.

su pham 2.jpg

GS Minh cũng khuyên các tân sinh viên hãy bắt đầu cho một cách nghĩ mới. Theo GS Minh, đại học không phải chỉ học để thi, để lấy điểm cao một cách đơn thuần. Đại học là nơi sản sinh ra tri thức mới và giá trị mới và người tạo ra nó không ai khác chính là các sinh viên. 

"Chính vậy, tân sinh viên hãy dám nghĩ về những điều bất tận và nghĩ cả những điều gần gũi hàng ngày. Có những cái thuộc về chuẩn mực tốt đẹp của xã hội thì cố mà giữ, nhưng với những thách thức của thời đại thì phải dám vượt thoát ra khỏi cách nghĩ an toàn.

Một trạng thái mới cần được thiết lập để nghĩ về những điều mới hơn. Câu hỏi học để làm gì phải luôn thường trực trong mỗi một em. Hãy từ bỏ cách học các mẹo mực, ngóc ngách và không để làm gì cả. Học đại học là tự học và gắn liền với nghiên cứu. Đây là con đường tốt nhất để trưởng thành”.

su pham 1.jpg
Các tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong lễ khai giảng năm học mới.

Vị hiệu trưởng cũng bày tỏ mong muốn các sinh viên sư phạm hãy hướng đến một nền giáo dục bình đẳng và trung thực. 

“Chúng ta đã làm được không ít việc trong giáo dục, đây là điều đáng mừng nhưng các mảng màu đa sắc đó không phải đều tươi mới như nhau. Các em hãy nói đúng và nói thật, hãy dám rũ bỏ những thành tích ảo tưởng, vì nếu không nó sẽ trở thành căn cơ cho dối trá sau này. Xin hãy đừng vì những điểm số vô hồn, những bản học bạ đẹp mà trẻ phải ai oán về sau".

GS Minh phân tích, mỗi đứa trẻ là một tài năng riêng có. Người thầy cô hãy vì tài năng đó mà nhân lên, đừng khoác lên cho trẻ những hào quang không phải của chúng, vì sẽ thành ảo tưởng trong tương lai.

"Mỗi nhà trường là một ngôi nhà đầy ắp yêu thương để trẻ em muốn đến. Nơi đây cũng là nơi để thầy cô cảm thấy hài lòng. Làm tốt điều đó mà được khen thì mừng quá, nhưng xin đừng chỉ vì những bằng khen mà dấu diếm và thổi phồng, nghiệt ngã với nhau. Mong rằng, đừng làm biến tướng bản chất tốt đẹp của thi đua... Đừng biến trường học thành nơi sợ hãi của học sinh và đừng coi trường học là nơi phụ huynh phó mặc con mình cho thầy cô giáo”.

Theo GS Minh, chính người lớn có lúc đã tước mất quyền vô tư con trẻ. “Trẻ phải được vui chơi, được học hành và được chăm sóc. Ở thành phố, giờ học đến kín không còn thời gian để ý xung quanh, rồi mẹ cha trách con cái vô tâm. Ở những nơi khó khăn thì trẻ lam lũ cùng với mẹ cha để kiếm miếng cơm manh áo mỗi ngày, biết mấy điều chỉ những giờ lên lớp. Mong rằng mỗi chúng ta, các bậc phụ huynh, cả xã hội cùng nhau ngẫm nghĩ điều này. Và thầy trò chúng ta có dám dấn thân cho điều đó hay không?”

Vị hiệu trưởng bày tỏ niềm tin vào một thế hệ mới, nghĩ tươi mới hơn và để rồi tương lai sẽ làm tốt hơn.