Video: TeleTruth

Theo video được trang TeleTruth đăng ngày 17/11, quân đội Nga đã sử dụng pháo phản lực đa nòng TOS-1A để pháo kích công sự của binh sĩ Ukraine phòng thủ gần thành phố Bakhmut. Hình ảnh được một máy bay không người lái (UAV) Nga hoạt động ở đó ghi lại cho thấy, các binh sĩ Ukraine đóng ở công sự trên đã buộc phải rút lui để tránh hứng chịu thương vong do đạn nhiệt áp của TOS-1A gây ra.

Pháo TOS-1A. Ảnh: Army Recognition

TOS-1A Solntsepyok (Solntsepyok trong tiếng Nga nghĩa là Lửa mặt trời) là phiên bản nâng cấp từ pháo phản lực TOS-1 Buratino được Nga đưa vào biên chế trong quân đội nước này vào năm 2001. Tính tới nay, loại khí tài này đã Nga xuất khẩu sang ít nhất 8 quốc gia ở các khu vực Trung Á, Trung Đông và Bắc Phi.

TOS-1A sử dụng chung khung gầm với xe tăng T-72, có tổng trọng lượng đạt 44,3 tấn; dài 7,3m; rộng 3,6m; cao 3,07m. Kíp chiến đấu gồm 3 người. Xe được lắp động cơ diesel V-84MS có công suất 840 mã lực, nhờ vậy vận tốc tối đa của TOS-1A có thể đạt 60 km/giờ ở địa hình bằng phẳng. Theo trang Military Today, tầm hoạt động của TOS-1A có thể đạt hơn 550km.

Thông số của pháo phản lực đa nòng TOS-1A. Ảnh: Army Recognition

TOS-1A sử dụng tên lửa nhiệt áp có đường kính 220mm. Khi tên lửa này phát nổ, khối chất hóa học gây cháy nặng 45kg ở phần đầu tên lửa sẽ được bung ra trong một phạm vi giới hạn. Những chất hóa học sau đó sẽ đốt cháy trong chớp mắt toàn bộ khí ôxy trong không gian hẹp với nhiệt độ lên tới 1.000°C, đủ để tiêu diệt bộ binh đối phương đang trú ẩn trong các công sự, hầm ngầm hoặc hang động.

Bản vẽ về loại tên lửa nhiệt áp được TOS-1A sử dụng. Ảnh: Army Recognition 

TOS-1A có tầm bắn thấp nhất và xa nhất lần lượt ở các cự ly 400m và 6.000m. Pháo có tốc độ bắn 24 viên trong vòng 12 giây, nhờ vậy có thể khai hỏa về phía mục tiêu một cách nhanh chóng và rút đi trước khi các khí tài đối phương kịp tiến hành đòn phản kích.