Ông Hun Sen sinh năm 1952 trong một gia đình có 6 người con tại tỉnh Kâmpóng Cham, miền đông Campuchia. Năm 13 tuổi, ông rời gia đình lên thủ đô Phnom Penh sống và học tập tại chùa khoảng 4 năm trước khi tham gia cách mạng.

Ông Hun Sen hồi những năm 1970. Ảnh: eacnews.asia  

Theo TTXVN, từ năm 1970 - 1975, ông Hun Sen gia nhập quân đội dưới Chính quyền Khmer Dân chủ Hunsen và từng được thăng chức trung đội trưởng, rồi tiểu đoàn trưởng. Ông gia nhập đảng Nhân dân Campuchia (CPP) vào ngày 30/8/1972.  

Ông Hun Sen khi còn là tiểu đoàn trưởng dưới Chính quyền Khmer Dân chủ Hunsen. Ảnh: eacnews.asia  

Năm 1977, ông Hun Sen cùng 4 đồng chí thân tín đã vượt biên giới sang Việt Nam vì không chấp nhận được các chính sách đi ngược lòng người của Khmer Đỏ. Theo báo Tuổi trẻ, ông Hun Sen từng viết trên trang Facebook chính thức của mình vào năm 2016 rằng, vì tình yêu với đất nước, ông đã quyết định chia tay người vợ đang mang thai, đánh đổi sinh mạng của mình để tìm cơ hội cứu dân tộc và đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot.

Năm 1979, khi quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ Campuchia tiêu diệt chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, ông Hun Sen được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao.

Ông Hun Sen đang phát biểu tại một sự kiện trong khoảng thời gian 1981 - 1983. Ảnh: The Cambodia Daily 

Năm 1985, ông Hun Sen trở thành Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Campuchia (tương đương chức thủ tướng hiện nay) sau khi giành được 100% số phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu kín của Quốc hội. Khi ấy, ông mới 33 tuổi và là nhà lãnh đạo chính phủ trẻ nhất thế giới.

Ông Hun Sen trong những năm 1980. Ảnh: Khmer Times

Năm 1991, ông Hun Sen nhận bằng tiến sĩ sau khi bảo vệ thành công luận án dài 172 trang về đề tài “Các đặc điểm của chính trị học Campuchia”.

Thủ tướng Hun Sen ký Hiệp định hòa bình Paris vào ngày 23/10/1991, chấm dứt 21 năm nội chiến ở Campuchia. Ảnh: southeastasiaglobe.com

Dù đảng CPP thua đảng bảo hoàng Funcinpec trong cuộc bầu cử quốc gia năm 1993, nhưng ông Hun Sen vẫn chia sẻ quyền lực với Hoàng thân Norodom Ranariddh lúc bấy giờ, với tư cách Thủ tướng thứ hai trong Chính phủ Liên hiệp Campuchia.

Thủ tướng thứ 2 Campchia Hun Sen bắt tay những người ủng hộ ở Phnom Penh năm 1997. Ảnh: Reuters 
Thủ tướng Hun Sen trong một cuộc họp báo ở sân bay quốc tế Pochentong ở Phnom Penh tháng 12/1998. Ảnh: Reuters

Năm 1998, CPP chiến thắng trong tổng tuyển cử và ông Hun Sen được bổ nhiệm làm Thủ tướng duy nhất của Campuchia. Kể từ đó, ông Hun Sen đã lãnh đạo CPP liên tiếp giành nhiều thắng lợi và đang trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ 5 của mình.

Tháng 10/2021, Thủ tướng Hun Sen tiếp nhận búa Chủ tịch ASEAN 2022. Ảnh: ANN
Thủ tướng Hun Sen (thứ 6 từ bên trái) chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 10 ở Phnom Penh tháng 11/2022. Ảnh: ANN

Ông Hun Sen và vợ - bà Bun Rany sinh được 6 người con, trong đó một người con mất sớm và 3 con trai đều giữ vị trí quan trọng ở Campuchia. Ông Hun Sen đặc biệt ủng hộ con trai trưởng - Tướng Hun Manet, Phó tư lệnh Các lực lượng vũ trang Hoàng gia kiêm Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia, nối nghiệp mình.

Thủ tướng Hun Sen chụp ảnh cùng gia đình năm 2019. Ảnh: Facebook/Samdech Hun Sen.

Tờ Khmer Times đưa tin, sau khi đảng CPP giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử ngày 23/7, ông Hun Sen hôm 26/7 thông báo sẽ từ chức thủ tướng. Ông mô tả đây là "sự hy sinh lớn lao" nhằm đảm bảo nền tảng ổn định lâu dài cho đất nước phát triển.

Thủ tướng Hun Sen (trái) và con trai trưởng - Tướng Hun Manet. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Hun Sen cho biết thêm, Quốc vương Norodom Sihamoni sẽ công bố quyết định bổ nhiệm Hun Manet làm người kế nhiệm ông lãnh đạo chính phủ mới trong khoảng 3 tuần tới.

Thủ tướng Hun Sen hiện là một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất trên thế giới với 38 năm cầm quyền. Ảnh: CPP

Sau khi rời ghế Thủ tướng, ông Hun Sen, 70 tuổi dự kiến sẽ trở thành Chủ tịch Hội đồng Tôn vương Vương thất Campuchia, cơ quan gồm 9 thành viên chịu trách nhiệm lựa chọn quốc vương. Ông cũng sẽ đảm trách chức Chủ tịch Thượng viện thay ông Say Chhum.