- Thời gian gần đây có một số ý kiến bạn đọc phản ánh về việc một số chủ quán cóc quanh khu vực Hồ Tây đã chiếm dụng toàn bộ ghế đá công cộng làm nơi bán nước cho riêng mình. Người dân qua đây muốn ngồi thì phải trả tiền mua nước, thậm chí còn mua với giá “cắt cổ”.

TIN BÀI KHÁC:

Trên đoạn đường Thanh Niên ven Hồ Tây dài chưa đầy 1km, khoảng 17h chiều các quán cóc bắt đầu “lục đục” bầy hàng. Theo ghi nhận của CTV VietNamNet lúc này ven hồ đã có tới hơn 20 quán cóc nằm sát nhau.

{keywords}
Các bạn trẻ phải miễn cưỡng nhường ghế đá

Các quán cóc thường ít đồ đạc, mọi thứ rất gọn nhẹ: vài chai nước ngọt, ấm chè, mấy quả dừa, ít hướng dương… được biết, gọn nhẹ là cách tẩu thoát nhanh nhất nếu có lực lượng công an đến đây kiểm tra.

Điều lạ lùng hơn là các ghế đá công cộng tại đây đều được chủ các quán cóc khoanh vùng và nhận làm chỗ bán nước bằng việc để bất kỳ vật dụng nào lên ghế nhằm giữ chỗ như: ghế nhựa, vỏ dừa, chai nước, thậm chí cả túi bóng rác...

Các bạn trẻ, người đi dạo phố đều phải miễn cưỡng “nhường” ghế khi thấy các chủ quán cóc bắt đầu dọn hàng, theo như Nam, sinh viên ĐH Mỏ Địa Chất thì đó là “luật ngầm” rồi. Đó cũng là lý do khiến Nam và nhóm bạn của anh đang ngồi chuyện trò vui vẻ cũng phải đứng dậy ra về: “Bạn không thấy họ đã đến và để cái ghế nhựa xanh kia cạnh chiếc ghế đá tụi mình đang ngồi à. Biết điều thì “té” không lại ăn mắng hoặc mất tiền như chơi – Nam, ĐH Mỏ Địa Chất bức xúc.

Bạn Nguyễn Hương, trường ĐH Văn Hóa thì nhiệt tình chia sẻ: “Lần đầu mới đến đây mình chẳng biết chuyện họ nhận ghế đá như vậy, chỉ thấy có cái vỏ dừa vứt lăn lóc trên ghế, mình và bạn trai bỏ xuống để ngồi. Ngay lúc ấy có một cô trung tuổi ra mời chào đon đả “các cháu uống nước gì thế cô mang ra cho” tụi mình nói không uống mà chỉ ngồi chơi thôi. Cô này bắt đầu sưng xỉa rồi đuổi tụi mình ra khỏi cái ghế đó. Bây giờ biết rồi nên thấy ghế nào có vật cản như vậy tụi mình đều tránh”.

Giá cả các mặt hàng tại đây thì “trên trời dưới biển”, còn tùy tâm trạng của người bán hàng. Giá trung bình từ 4.000 đến 10.000 tùy vào loại đồ uống. Nếu chủ quán không “vui” thì chắc chắn giá cả sẽ được độn lên gấp 3 hoặc 4 lần. Kém may mắn hơn bạn Nguyễn Hương, Thu Hà (sinh năm 1987), nhân viên văn phòng nhớ lại: “Khi mình ngồi ghế đá được khoảng 5phút, một cô bán nước gần đó đến mời uống nước, nói đây là ghế cô ấy bán hàng, đã ngồi rồi thì uống cho cô cốc nước chứ nhiều nhặt gì. Thấy cũng không có gì to tát nên mình có lấy một chai C2, lúc tính tiền cô ấy lấy 15 nghìn. Thật đúng là ăn cướp”.

Lời khuyên vui của một số bạn trẻ từng là “nạn nhân” trong việc chiếm dụng ghế đá của các chủ quán cóc cho rằng: “Ăn trông nồi, ngồi trông …“ghế”. Nên nhìn trước khi ngồi mà đã lỡ ngồi là phải hỏi giá ngay. Đừng tưởng công cộng mà đã là của chung và không mất tiền”.

{keywords}

Những hình ảnh như thế này sẽ để lại ấn tượng xấu trong mắt du khách nước ngoài

Việc chủ quán cóc chiếm dụng ghế đá công công là nơi bán hàng đã khiến vấn đề đi lại, vui chơi ở đây lộn xộn và chật chội hơn. Họ phải trải giấy ngồi trên bãi cỏ xanh mượt, người thì ngồi rìa đường, một số đôi thì ngồi ngay trên xe máy của mình. Một lần đến là đủ để biết “luật ngầm” tại đây nên sẽ chẳng ai dám ngồi ghế đá nếu họ không có nhu cầu …uống nước.

“Các cháu ở nơi khác đến nên bị đuổi chứ ông già rồi, lại người ở gần đây nên có ngồi cũng không dám đuổi. Công an ở đây họ cũng làm gắt lắm, nhưng sao mà hết được chẳng khác gì nước chảy ao bèo” – cụ ông ngoài 80 tuổi sống tại phường Thụy Khê, thường xuyên tập thể dục qua đoạn đường này cho biết.

Việc chiếm dụng ghế đá công cộng của các chủ quan cóc ở đây đã vô tình làm mất đi mỹ quan đường phố, gây mất trật tự an ninh công cộng, ảnh hướng đến việc vui chơi giải trí và để lại ấn tượng xấu trong mắt du khách nước ngoài . Đề nghị các cơ quan chức năng tại đây sớm vào cuộc để xử lý nghiêm việc chiếm dụng của công làm lợi cá nhân của chủ các quán cóc, trả lại nét văn minh, trật tự cho khu phố và người dân tại đây.

Nguyễn Yến