Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai, dự thảo Nghị định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT thay thế Nghị định 102 và Quyết định 80 do Bộ TT&TT chủ trì xây dựng đã có nhiều tháo gỡ các tồn tại vướng mắc trong triển khai ứng dụng CNTT (Ảnh minh họa: Internet) |
Trên cơ sở nhận thức rõ những bất cập, tồn tại trong quy định đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo Nghị định 102/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (Nghị định 102) và Quyết định 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước (Quyết định 80), trong năm 2018, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo Nghị định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT (thay thế Nghị định 102 của Chính phủ và Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ) theo hướng giải quyết vướng mắc cho hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT, thuê dịch vụ CNTT; phù hợp và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan; bãi bỏ, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đầu tư ứng dụng CNTT, thuê dịch vụ CNTT, thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử.
Trong chia sẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TT&TT được tổ chức hồi giữa tháng 1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai đã cho biết, hiện dự thảo Nghị định mới về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT đã được thẩm định, xin ý kiến các thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.
Nhận định dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 102 đã có nhiều tháo gỡ các tồn tại vướng mắc trong triển khai ứng dụng CNTT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Mai cũng cho hay: “Bộ Tài chính đã có ý kiến tham gia. Bộ Tài chính đề nghị Bộ TT&TT khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành để đảm bảo cơ sở pháp lý cho triển khai ứng dụng CNTT, đáp ứng yêu cầu triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)”.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai, với yêu cầu của việc triển khai cuộc CMCN 4.0, việc ứng dụng công nghệ mới đòi hỏi phải thực hiện nhanh để tận dụng tối đa thành quả, tiết kiệm nguồn lực, nâng cao năng suất chất lượng thì hình thức thuê dịch vụ CNTT trở thành lựa chọn tất yếu. Tuy nhiên, việc triển khai thuê dịch vụ CNTT trong thời gian qua chưa được đẩy mạnh do gặp khó khăn về xác định chi phí thuê, nhất là là khi xác định thuê dịch vụ quản trị, an toàn bảo mật, phần mềm quản lý chuyên ngành…
Do vậy, để đẩy mạnh hình thức thuê dịch vụ CNTT, song song với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 102 và Quyết định 80, đề nghị Bộ TT&TT xây dựng và có văn bản hướng dẫn cụ thể về lập dự toán thuê dịch vụ, các phương pháp tính giá thuê, đặc biệt là sớm ban hành văn bản về tiêu chuẩn, định mức đối với thuê dịch vụ quản trị, an toàn bảo mật, phần mềm quản lý chuyên ngành; ban hành mẫu hợp đồng khung dịch vụ…
“Ngoài ra, đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu và báo cáo Chính phủ về định hướng chuyển dịch cơ cấu đầu tư sang thuê dịch vụ đối với cơ quan quản lý nhà nước, quy trình một số loại hình triển khai thí điểm theo hình thức bắt buộc, khuyến khích thuê…”, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính nêu kiến nghị.
Trong báo cáo đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước tháng 1 và nhiệm vụ công tác trọng tâm tháng 2/2019 của Bộ TT&TT, với lĩnh vực ứng dụng CNTT, Bộ đã xác định rõ một nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2 này là hoàn thiện Nghị định quản lý đầu tư ứng dụng CNTT (thay thế Nghị định 102 và Quyết định 80) theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cùng với đó, trong tháng 2/2019, Bộ TT&TT cũng tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm khác như: Xây dựng Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0, Nghị định về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức và Đề án Chuyển đổi số quốc gia; Nghiên cứu, xây dựng mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức thống nhất theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu của tất cả các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương…