Ngày 25/12, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án "chuyến bay giải cứu" ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Trước ngày diễn ra phiên tòa, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng có đơn xin xét xử vắng mặt.
Tuy nhiên, sáng 25/12, cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng vẫn bị dẫn giải đến phiên xét xử.
Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của 21 bị cáo và kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Thẩm phán Mai Anh Tài, Chánh Tòa Kinh tế, TAND cấp cao tại Hà Nội ngồi ghế chủ tọa.
Các bị cáo kháng cáo gồm: Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an), Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty CP DL&DV ăn uống Nhật Minh), Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty CP xây dựng Thái Hòa), Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao);
Phạm Thị Kim Ngân (cán bộ phòng trị sự, Tạp chí Thanh tra), Trần Quốc Tuấn (Giám đốc Công ty CP xúc tiến TM&DL Việt Nam), Đặng Minh Phương (cựu Kế toán Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia), Nguyễn Hoàng Linh (cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia);
Phạm Bích Hằng (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Lê Thị Ngọc Anh (cựu cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng), Trần Mai Xa (Giám đốc Công ty. MasterLife), Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty TNHH TM&DV Hàng không Minh Ngọc), Hoàng Diệu Mơ (Tổng GĐ Công ty TNHH TM DL DV Hàng không An Bình);
Lê Hồng Sơn (TGĐ Công ty Blue Sky), Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó TGĐ Công ty Blue Sky), Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an), Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao);
Nguyễn Thị Hương Lan (cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) và Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế).
Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Quân (chồng của bị cáo Mơ) có kháng cáo đề nghị trả lại 2 chiếc điện thoại đã bị tịch thu, trong trường hợp không được trả lại xin được phép mua lại để bảo vệ quyền lợi thông tin cá nhân.
Bà Trần Phi Nga (vợ bị cáo Tô Anh Dũng) kháng cáo một phần nội dung bản án, xin giải tỏa kê biên và cấm dịch chuyển nhà dự án Tây Hồ Tây và xin giải tỏa kê biên, cấm dịch chuyển và trả lại sổ đỏ nhà Bắc An Khánh.
Trong số 21 bị cáo, ông Lê Văn Nghĩa kháng cáo toàn bộ bản án và xin hưởng án treo. Ông Trần Minh Tuấn kháng cáo vì cho rằng mình không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Đưa hối lộ”.
Các bị cáo còn lại cơ bản đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bày tỏ mong muốn HĐXX cấp phúc thẩm xem xét một số tình tiết giảm nhẹ, bối cảnh, mức độ phạm tội… để cân nhắc cho họ được hưởng khoan hồng của pháp luật, sớm được trở về với gia đình và xã hội.
Riêng bà Nguyễn Thị Thanh Hằng ngoài kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, doanh nhân này còn kháng cáo xin HĐXX cấp phúc thẩm buộc cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng trả lại số tiền hơn 18 tỷ đồng.
Theo bản án sơ thẩm, đối với số tiền mà bà Hằng và ông Lê Hồng Sơn thông qua cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội đưa cho ông Hoàng Văn Hưng với mục đích để không bị xử lý hình sự: Do các khoản tiền trên được sử dụng với mục đích đưa hối lộ, thực hiện giao dịch trái pháp luật nên cần buộc cựu điều tra viên truy nộp hơn 18,8 tỷ đồng đã chiếm đoạt này để sung công quỹ nhà nước.
Đồng thời tịch thu sung công quỹ nhà nước 1.850.000 USD mà ông Nguyễn Anh Tuấn là người môi giới hối lộ đã nộp.
Đối với số tiền bà Phạm Bích Hằng đưa cho ông Trần Minh Tuấn với mục đích để đưa cho những người có thẩm quyền, xin cấp phép tổ chức chuyến bay: Mặc dù, bà Hằng đã bị ông Trần Minh Tuấn lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên, nhưng do bà Hằng có mục đích dùng số tiền trên và giao dịch trái pháp luật, đưa cho người có thẩm quyền để xin phép tổ chức chuyến bay.
Vì vậy, cần buộc ông Trần Minh Tuấn phải truy nộp số tiền hơn 5,6 tỷ đồng đã chiếm đoạt của bà Phạm Bích Hằng để sung công nhà nước.