- Cuối tháng 8/2017, Báo VietNamNet tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của Bạn đọc.

1. Bạn đọc Tạ Quang Cảnh – Trưởng khu phố An Thượng,  phường An Tảo, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên và một số BĐ cùng địa chỉ trên gửi “Thư kêu cứu khẩn cấp” đề ngày 4/7/2017 về việc: “Công ty CP Nhựa Hưng Yên (địa chỉ: 91 Nguyễn Văn Linh, phường An Tảo, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân địa phương. Báo VietNamNet đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Bộ Tài nguyên & Môi trường; UBND tỉnh Hưng Yên nơi các BĐ đồng gửi đơn này khẩn trương xem xét.

{keywords}

Bãi nguyên liệu lộ thiên của CT nhựa Hưng Yên 

(Ảnh BĐ cung cấp)

2. Bạn đọc Ngô Ngọc Linh ở số 3, ngõ 20 Hàng Vôi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội gửi “đơn kêu cứu” đề ngày 14/8/2017 về hậu quả của việc phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ Kim Cương, địa chỉ tầng 9, số 1B, phố Yết Kiêu, phường Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bạn đọc Ngọc Linh cho biết đã có đơn gửi Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội. Đề nghị các cơ quan trên khẩn trương xem xét.

3. Bạn đọc ‘dung phan’ (dung376@yahoo.com) gửi email ngày 15/8/2017 phản ánh: Đường 11, khu phố 9, phường Trường Thọ, Thủ Đức- TP Hồ Chí Minh bị cày xới đến nát, đang xuống cấp nghiêm trọng vì các xe tải, cứ trung bình 15 phút lại có một xe chở đất san lấp chạy qua, mật độ xe chạy còn dày hơn vào lúc tối. Nhiều xe tải cơi nới thùng chở cát, sỏi chất cao, không phủ bạt chạy bạt mạng, đất đá rơi vãi đầy đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Họ đưa đất từ nơi khác đến đổ tại khu đất cạnh các nhà số 50,52,54,….60 và xem đây là trạm trung chuyển; sau đó ai mua họ chở đi tiếp. Chính vì vậy làm cho các nhà dân xung quanh bị nứt, lún, nghiêng và có thể đổ bất cứ lúc nào. Các hộ xung quanh khu đất đó kiến nghị khu phố-phường và ngay cả HĐND TP, nhưng đều không có kết quả. Xin chuyển ý kiến của BĐ ‘dung phan’ đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền TP Hồ Chí Minh xem xét.

4. Bạn đọc Trần Trọng Thọ, điạ chỉ 48 đường Nguyễn Thái Học, thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định gửi email ngày 17/8/2017 kêu cứu về việc: Đất của gia đình do ông bà tổ tiên để lại bị điạ phương san ủi, phân lô làm nền cấp và bán cho người khác sai mục đích quy hoạch. Cha, anh BĐ Thọ đã khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền từ năm 1990 đến nay. Năm 2016 Văn phòng Chính phủ  có Công văn  truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình giao Bộ Tài nguyên & Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Định xem xét giải quyết. Gia đình đi hết cơ quan này đến cơ quan khác, nhưng cho đến nay không cơ quan nào đứng ra giải quyết, mà còn làm cho cho sự việc càng thêm phức tạp. Đề nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường và UBND tỉnh Bình Định khẩn trương xem xét và giải quyết dứt điểm.

5. 8 bạn đọc: Phạm Ngọc Thao, Đinh Văn Tính, Lê Tiến Dũng, Bùi Văn Bửng, Bùi Thị Căm, Bùi Thị Nga, Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Đăng Thanh đại diện cho 8 gia đình có người thân là bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại chỗ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017 đồng ký tên trong đơn đề ngày 16/8/2017. Nội dung: Các gia đình kiến nghị “Đối với ông Trương Quý Dương, nếu chỉ ký luật ở mức ‘cách chức’ là quá nhẹ, chưa thỏa đáng. Các gia đình chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền điều tra, xử lý nghiêm khắc với kẻ gây ra cái chết hàng loạt bệnh nhân ngày 29/5/2017 đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm”. Các gia đình cũng bày tỏ bức xúc vì “đến nay, các nạn nhân chết cũng được 3 tháng mà thái độ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vẫn thờ ơ, xem nhẹ và coi thường, không có ý kiến và trách nhiệm gì”. Báo VietNamNet đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nơi các Bạn đọc đồng gửi đơn này xem xét.

6. Bạn đọc Bùi Thị Quyên Quyên ở tầng 3, số 91 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội gửi văn bản đề ngày 12/8/2018 thông tin: TAND huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương Quyết định (số 08/2017/QĐXXST-DS ngày 4/8/2017) đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án dân sự về việc “Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng” vào ngày 30/8/2017. Nguyên đơn là ông Bùi Trọng Khâm ở thôn Lê Xá, xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Bị đơn là Công ty TNHH SONY ELECTRONIC Việt Nam, địa chỉ phòng 1203, Tòa nhà Pacific, 83B Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Trước đó, ông Khâm mua 1 TV của SONY, trong thời hạn bảo hành  24 tháng, TV hỏng “tuy nhiên SONY chối bỏ trách nhiệm của mình, khăng khăng đổ lỗi cho người tiêu dùng ‘đã cho chất lỏng vào TV’ một cách vô căn cứ”! Theo BĐ Quyên Quyên “vụ án này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam: Một cá nhân đơn lẻ đã sử dụng phương thức khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu một công ty phải bồi thường cho mình”.

7. Bạn đọc  Nguyễn Văn Thành, sinh sống tại tổ dân phố Thấp- phường Đại Mỗ - quận Nam Từ Liêm - Hà Nội gửi “đơn kêu cứu” ngày 20/8/2017. Nội dung: Nhà BĐ Thành nằm ngay cạnh khu vực đang thi công của đô thị FLC Garden City Đại Mỗ nên bụi do chất thải xây dựng của khu vực thi công thải ra gây ô nhiễm môi trường, gây rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, nhất là có mẹ già 84 tuổi- vợ liệt sỹ. Dù đã rất nhiều lần yêu cầu BQL DA xử lý nhưng chỉ nhận được lời hẹn sẽ xử lý mà qua thời gian dài không thấy có hành động. Đề nghị Ủy ban nhân dân và Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Nam Từ Liêm xem xét, có ý kiến chỉ đạo Chủ đầu tư đô thị FLC Garden City Đại Mỗ khẩn trương có giải pháp bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống cư dân xung quanh.

{keywords}

Bụi do chạc thải xây dựng của khu vực thi công  

gây ô nhiễm môi trường(Ảnh do bạn đọc cung cấp)

8. Bạn đọc Trần Thế Thiên ‘thay mặt cho nhiều GV dạy 2 buổi bậc THCS huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp’ gửi email ngày 21/7/2017 ‘thắc mắc và khiếu nại’ về việc: CV số 28/SGDĐT – TTr ngày 27/02/2017 của Sở GD&ĐT Đồng Tháp hướng dẫn thực hiện dạy học 2 buổi / ngày và dạy thêm học thêm có trái với Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT- BNV-BTC ngày 08 tháng 3  năm 2013 của liên Bộ GDĐT – Bộ Nội vụ - Bộ tài chính Hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập? Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nơi BĐ Trần Thế Thiên đồng gửi đơn này (Bộ GD & ĐT, UBND tỉnh Đồng Tháp) xem xét.

9. Bạn đọc Nguyễn Doãn Vượng, trú tại thôn 5, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức. TP Hà Nội gửi email ngày 18/8/2017 khiếu nại về việc: Công ty điện lực tư nhân Tuấn Tiến bán điện cho hộ gia đình với tỷ lệ 70% giá điện sản xuất và 30% giá điện kinh doanh, làm trái thông tư 16 của Bộ Công Thương. Khi các gia đình tách hộ phát triển công tơ mới đều phải nộp từ 2-3 triệu đồng, công tơ điện 3 pha dùng cho sản xuất phải nộp từ 10-30 triệu đồng mà không có hóa đơn chứng từ. Tháng 6 năm 2016 công ty Tuấn Tiến thay công tơ điện. Sau khi thay công tơ tiền điện hàng tháng của nhiều hộ dân tăng bất thường. Nhân dân bức xúc đã làm đơn xin được sử dụng điện của công ty Điện lực nhà nước, chấm dứt hợp đồng với công ty Tuấn Tiến nhưng chưa được giải quyết. Vừa qua công ty Tuấn Tiến đã 2 lần cưỡng chế cắt điện ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Xin chuyển ý kiến của BĐ Doãn Vượng đến các cơ quan chức năng của TP Hà Nội và huyện Hoài Đức đề nghị khẩn trương xem xét.

10. Bạn đọc Nguyễn Thị Nguyệt và Trần Anh Thư đại diện các hộ dân  chung cư 5 tầng 12 Hàng Than, Ba Đình, Hà Nội gửi “đơn đề  nghị khẩn cấp” đề ngày 9/8/2017. Nội dung: Các BĐ đề nghị giải tỏa phần đất lưu không của chung cư này bị gia đình ông Phạm Chí Sính & con và bà Hương lấn chiếm và xây dựng nhà trái phép, bịt lối thoát hiểm, chặn kín đường đối lưu không khí của chung cư, khiến cư dân không còn ánh sáng, không khí để sống, cực kỳ nguy hiểm khi có hỏa hoạn. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nơi các BĐ đồng gửi đơn này xem xét.

11. Bạn đọc Mạch Hiếu Trung, ngụ tại 413, quốc lộ 1, An Hiệp, Châu Thành, Sóc Trăng gửi email ngày 21/8/2017 tố cáo bà Nguyễn Thị Hồng Thuỷ đứng tên mượn tiền và nợ của rất nhiều người số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng đầu tư những cơ sở kinh doanh như cây xăng, nhà nghỉ, quán nhậu, đại lý Vật tư nông nghiệp… Sau đó dùng chiêu trò tẩu tán tài sản, sang tên cho những người thân rồi tuyên bố vỡ nợ! Những chủ nợ thưa ra Toà án. Sau 3 năm xét xử, Bản án số 07/2017/HNGĐ-PT ngày 29/5/2017 của Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng tuyên buộc  vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng Thuỷ phải trả cho 3 chủ nợ (trong đó có tôi) tổng cộng gần 6 tỷ đồng. Tuy nhiên Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Sóc Trăng lại gửi quyết định không thể thi hành án vì 2 vợ chồng này đã… không còn tài sản! Đề nghị Tòa án nhân dân và các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Sóc Trăng xem xét.

12. Vợ chồng bạn đọc Nguyễn Đăng Cương + Ma Thị Thanh ở xóm Vải, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên nhiều lần gửi đơn, mới nhất đề ngày 10/8/2017 “yêu cầu thay đổi Thẩm phán xét xử sơ thẩm” vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” với bị đơn là Lê Duy Tiếp ở xóm Sơn Cầu, cùng xã, huyện, tỉnh với nguyên đơn. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền (Tòa án, Viện Kiểm sát nhân dân…) tỉnh Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ nơi BĐ Đăng Cương đồng gửi đơn này xem xét.

13. Bạn đọc Nguyễn Quang Long ở 140 phố Đội Cấn - Ba Đình, Hà Nội gửi “đơn khởi kiện” đề ngày 24/7/2017 đối với 1 số cán bộ UBND phường Đội Cấn. Vấn đề này, BĐ Quang Long đã mấy lần gửi đơn và Báo cũng đã nêu thông tin. Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, nơi BĐ Nguyễn Quang Long đồng gửi đơn này xem xét.

14. Bạn đọc  Nguyễn Văn Chiến, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh Kon Tum, số 276, đường Ure, thành phố Kon Tum gửi email ngày 23/8/2017 phản ánh: Chuyến bay từ Hà Nội đi Pleiku của Hãng hàng không Vietjet Air có số hiệu VJ 423 ngày 6-8- 2017 bị chậm 4 giờ 10 phút. Nhân viên của hãng đã cấp “Phiếu yêu cầu bảo lưu hoàn vé, bồi thường” để hành khách kê khai, cung cấp số tài khoản, hãng sẽ chuyển tiền bồi thường 300.000 đồng. Đã gần 20 ngày nhưng tất cả hành khách trên chuyến bay đó vẫn chưa nhận được tiền. Đề nghị Vietjet Air khẩn trương bồi thường cho chúng tôi. Xin chuyển ý kiến của BĐ Nguyễn Văn Chiến đến Vietjet Air đề nghị xem xét.

15. Bạn đọc Đỗ Thành Dương ở Trường Dự bị Đại học dân tộc trung ương Nha Trang gửi  email ngày 19/8/2017 trao đổi về cách viết “tầu bay- tàu bay” ở sân bay Nội Bài, Hà Nội. Đoàn cán bộ, giáo viên của trường đã bắt gặp cùng ở sân bay này chỗ thì viết “cửa ra tàu bay”; chỗ thì viết “cửa ra tầu bay” và nảy ra cuộc tranh luận! BĐ Dương đã tra cứu, phân tích và cho rằng: Viết “tầu bay” (cũng như tầu dừa, tầu ngựa...) không sai, nhưng ở dạng phương ngữ (từ địa phương). Còn “tàu”  trong Tàu thủy, Bến tàu, Đường tàu, Tàu vũ trụ là “tên gọi chung các phương tiện vận tải lớn và hoạt động bằng máy móc phức tạp.” [Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê]. Nhưng theo tập quán sử dụng của người Việt, từ “tàu” xưa nay vốn ít dùng để chỉ máy bay; vì vậy “tàu bay” cũng không phải là từ toàn dân, mà Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê, tr.861 xác định đây cũng là từ phương ngữ, lại còn là từ cũ. Nhà soạn từ điển khuyến nghị dùng từ toàn dân đồng nghĩa là từ “máy bay” với giải nghĩa là “máy bay: Phương tiện vận tải hay chiến đấu bay trên không nhờ động cơ”. Xin giới thiệu để Bạn đọc và Sân bay Nội Bài tham khảo! 

{keywords}
Ảnh do bạn đọc cung cấp

16. Bạn đọc Bùi Thị Hạnh công tác tại Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc, Quảng Ngãi (thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) gửi đơn đề ngày 21/8/2017 “tố cáo những nội dung liên quan đến việc điều hành của ông Hiệu trưởng theo kiểu ‘Trường của Nhà nước, hoạt động theo kiểu gia đình’. Đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Bộ LĐ-TB & XH; UBND tỉnh Quãng Ngãi nơi BĐ Hạnh đồng gửi đơn này xem xét.

17. Bạn đọc  Lô Văn Dân ở xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An gửi thư phản ánh “chuyện không bình thường” tại xã này. Đó là “10  cán bộ chủ chốt của xã (gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Văn phòng UBND; Chủ tịch Mặt trận, Hội Phụ nữ; Trưởng Trạm y tế, Bí thư Đoàn, Trưởng Công an, Trưởng chỉ huy quân sự) là người một nhà và là anh em trong họ hàng; nhân dân trong xã gọi là ‘gia đình bà Chủ tịch’ chỉ tập trung ở 3 bản trong tổng số 13 bản của xã Thông Thụ. Những người này khi được tuyển vào làm việc chỉ có Bằng Trung cấp hoặc chưa có Bằng cấp gì, sau đó mới cho đi học nâng cao để hợp thức hóa”. Đề nghị Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An xem xét.

18. Bạn đọc  Minh Anh ở 211 Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum gửi email ngày 23/8/2017 dẫn ý kiến PTT Vũ Đức Đam đề nghị ngành giáo dục xem lại thời gian nghỉ ở hè ở Việt Nam còn phù hợp hay không? Theo BĐ thời gian nghỉ hè 03 tháng hiện nay quá dài, tạo sức ì, các em dễ quên kiến thức đã học; phụ huynh lại rất khó khăn trong việc quản lý con cái, nhất là học sinh tiểu học; học sinh THCS và THPT thì lại thêm thời gian tụ tập, có thể xảy ra tai nạn như đuối nước, tai nạn giao thông, đánh nhau gây thương tích, vi phạm pháp luật…Rút ngắn thời gian nghỉ hè đảm bảo cho nhà trường chủ động hơn trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học; giảm áp lực về số lượng tiết học trong tuần, tăng thời gian nghỉ ngơi cho học sinh trong quá trình học tập. Chính vì vậy, rút ngắn thời gian nghỉ hè cho học sinh còn 2 tháng là hợp lý. Ngành giáo dục có thể quy định tăng thời gian nghỉ lễ, Tết để học sinh có tâm lý thoải mái và chủ động hơn trong học tập.

19. Bạn đọc Nguyễn Thị Lựu (cháu của 2 Liệt sĩ) trú tại khu Thanh Sơn, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh gửi đơn đề ngày 22/8/2017. Nội dung: BĐ Lựu than phiền về khó khăn trong  việc nhận tiền bồi thường sau khi địa phương thu hồi  240 m2 đất ở xứ Đồng Mít, thôn Thượng, xã Bích Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang “của mẹ tôi và 2 Liệt sĩ…Hơn 3 năm về xã, lên huyện rồi lên tỉnh và ra các cơ quan chức năng của Trung ương, xã, huyện mới chấp nhận lập phương án và ra Quyết định phê duyệt phương án bồi thường (hơn 52 triệu đồng)”. Nhưng khi đề nghị trả tiền thì “UBND xã chỉ lên huyện; lên UBND huyện lại yêu cầu về xã chi trả. Biết hỏi ai cho tỏ việc này”? Xin chuyển câu hỏi đến các cơ quan có thẩm quyền, nơi BĐ Nguyễn Thị Lựu đồng gửi đơn này xem xét.

20. Bạn đọc Đỗ Thị Vấn ở thôn 4, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai gửi đơn đề ngày 15/8/2017 trình bày: BĐ Vấn và chồng là Phạm Minh Hai vay vốn tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai, PGD tại huyện Ia Grai số tiền 150 triệu đồng; tài sản bảo đảm là QSDĐ và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ trên, bắt buộc  mua bảo hiểm của Công ty TNHH MTV Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VBI) số tiền bảo hiểm 750.000 đ để ‘nếu có rủi ro gì thì sẽ được CT bảo hiểm chi trả đầy đủ số tiền mà khách hàng đã vay của NH’ như nhân viên NH giải thích. Mấy ngày sau ông Phạm Minh Hai nhập viện được 12 giờ thì chết. Gia đình làm hồ sơ yêu cầu VBI chi trả theo quy định. Gần 4 tháng sau VBI trả lời rằng sự kiện bảo hiểm của ông Phạm Minh Hai không thuộc phạm vi bảo hiểm nên không chi trả tiền bảo hiểm. BĐ Đỗ Thị Vấn cho rằng VBI đã vi phạm Luật kinh doanh Bảo hiểm và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vay vốn nên gửi đơn khiếu nại. Đề nghị các cơ quan chức năng nơi BĐ Vấn đồng gửi đơn này xem xét. 

21. Bạn đọc ngadung gửi email ngày 24/8/2017 bày tỏ bức xúc: “Ở trường Tiểu học Yên Thường (thôn Yên Thường, xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội) trong tháng 8.2017 các con chỉ được học 8 tiết Kỹ năng sống tương đương 01 ngày học tập với học phí là 300.000 đ, quả là học phí… trên trời! Rất nhiều phụ huynh bức xúc nhưng sợ bị trù dập nên vẫn phải cay đắng nộp tiền cho con”. Xin chuyển nỗi bức xúc trên tới Phòng Giáo dục huyện Gia Lâm đề nghị xem xét.

{keywords}
Ảnh do bạn đọc cung cấp

22. Bạn đọc Phạm Văn Tân thường trú thôn 1, xã Cư Knia, huyện Cư jut, tỉnh Đăk Nông gửi “đơn kêu cứu” đề ngày 22/8/2017. Nội dung: Con gái là Phạm Thị T. bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, bị đối tượng Phạm Hải B. là bác họ cũng ở địa chỉ trên xâm hại tình dục trong một thời gian dài, nhưng không được điều tra làm rõ. Đề nghị các cơ quan chức năng nơi BĐ Tân đồng gửi đơn này xem xét.

23. Bạn đọc MyMy ở xã Nga Hưng - Nga Sơn- Thanh Hóa gửi email ngày 26/8/2017 phản ánh: Từ ngày có chương trình nông thôn mới, tôi thấy người dân quê tôi không được hưởng gì mấy, nhưng lại mất quá nhiều đó là ruộng đất. Xã tôi ở cứ thấy cắt đất mặt tiền để bán, trong khi đó là ruộng theo khẩu của người dân; tuy có đền bù nhưng không được thỏa đáng. Bán hết đất mặt tiền, họ lại mở đường để bán, bây giờ ruộng gần như đã hết. Người dân chưa có sổ đỏ vì đất ngày xưa phải nộp tiền, nhẹ nhất 5 triệu mới làm... Đề nghị UBND huyện Nga Sơn xem xét.

24.Bạn đọc Nguyên Long (phụ huynh) và BĐ Phương Phương là học sinh lớp 10M trường THPT Nho Quan C, xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình gửi email ngày 29/8/2017 phản ánh: Chiều ngày 28/8/2017 lớp này có lịch lao động do nhà trường tổ chức. Cô giáo chủ nhiệm phân công học sinh lao động xong bị mệt nên nghỉ tại phòng bảo vệ cách đó khoảng 100m. Thầy Hiệu trưởng ra kiểm tra không thấy cô giáo chủ nhiệm ở đó đã đuổi học sinh lớp này ra khỏi trường. Có mấy bạn rủ nhau đi tắm và bạn Tiến (xã Thạch Bình) bị chết đuối! Hiệu trưởng không nhận trách nhiệm mà lại yêu cầu giáo viên nhận trách nhiệm. Đề nghị cơ quan chức năng huyện Nho Quan- Ninh Bình làm rõ trách nhiệm về vụ việc thương tâm này để phụ huynh và con em yên tâm học tập.

{keywords}

Nơi học sinh Tiến (xã Thạch Bình) bị chết đuối

Ảnh do bạn đọc cung cấp

25. Bạn đọc Nguyễn Kim Đức ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh gửi “đơn kêu cứu” đề ngày 21/8/2017. Nội dung: BĐ Đức nhất thời nóng nảy gây thương tích cho chị Nguyễn Thị Bảy (cũng ở địa chỉ trên). Việc xác định tỷ lệ thương tật của chị Bảy có nhiều mâu thuẫn, không khách quan, không đúng quy trình, không đúng sự thật dẫn đến BĐ Đức dù đã bồi thường cho chị Bảy hơn 130 triệu đồng vẫn bị khởi tố, truy tố, đề nghị khung hình phạt cao. Ngày 23/3/2016 HĐXX TAND huyện Gia Bình đã trả hồ sơ, yêu cầu CA huyện Gia Bình trưng cầu lại tỷ lệ thương tật của chị Bảy. Nhưng cơ quan này viện lý do chị Bảy không đồng ý đi giám định lại và đã cho tạm đình chỉ điều tra vụ án. BĐ Đức đề nghị CA tỉnh Bắc Ninh vào cuộc điều tra để tránh gây oan sai, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, sớm kết thúc vụ án.

26. Bạn đọc Trần Văn Túc, cán bộ hưu trí, Hội viên Cựu chiến binh Việt Nam, trú tại số 126 (số cũ 41) đường Trần Huỳnh, khóm 7, phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu nhiều lần gửi đơn và email, mới nhất đề  ngày 28/8/2017. BĐ Túc tiếp tục “kêu oan” về việc: “TAND tỉnh Bạc Liêu xử sơ thẩm và TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm đã dùng Quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 09/3/1981 kèm Sơ đồ cấp đất & hiện trạng sử dụng Trường Trung học Sư phạm Minh Hải là các văn bản áp dụng cho khu đất khác (khu A) để áp dụng cho thửa đất tôi đang sử dụng (khu B). Hai vị trí đất này cách nhau khoảng 630m, theo kiểu “râu ông nọ, cắm cằm bà kia”! Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nơi BĐ Trần Văn Túc đồng gửi đơn này xem xét.

27. Bạn đọc Nguyễn Văn Trung  địa chỉ thôn 8 – xã Ea Ô – huyện Eakar – tỉnh ĐăkLăk  “đại diện người lao động gửi đơn khiếu nại và kêu cứu” đề ngày 08 tháng 08  năm 2017 về việc: Văn bản trả lời của công ty 716 ngày 07/01/2016 giải trình những câu hỏi trong đơn kiến nghị của người lao động gửi công ty ngày 6/01/2016 không thỏa đáng. Như sử dụng vốn bất hợp lý, nhiều khoản thu vô lý, vô cớ, không công bằng giữa người lao động với công ty. Mỗi năm công ty này bắt người trồng lúa phải nộp từ 21 triệu đồng đến 25 triệu đồng/ha để cán bộ công ty đủ lương, công ty có lãi. BĐ Trung nêu câu hỏi “tại sao người lao động không có đất làm để kiếm sống mà cứ phải thuê và mua canh của công ty 716? Đề nghị Nhà nước có giải pháp để người lao động trồng lúa không còn phải phụ thuộc qua tay công ty 716 quản lí kinh doanh bằng hình thức phát canh thu tô”. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nơi BĐ Nguyễn Văn Trung  đồng gửi đơn này xem xét.

Ban Bạn đọc