Ngày 11/11, đã có khoảng 40 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.
Vấn đề thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đề nghị làm rõ có nên cấm hay không.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế mong muốn có nghị quyết của Quốc hội về cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi sửa Luật về Phòng, chống tác hại thuốc lá.
Bà Lan khẳng định, quan điểm của Bộ Y tế không nhất trí thử nghiệm các loại thuốc lá này.
Tiếp đó, "chia lửa" cùng Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công Thương đã đồng ý với đề xuất này của Bộ Y tế, thống nhất rằng đây là sản phẩm có hại cho sức khỏe, phải sớm có khung khổ pháp lý để cấm sản phẩm này.
Bộ Công Thương và cá nhân Bộ trưởng không đề xuất tiếp tục thí điểm đề án này. Thực tế, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn từ chối cấp phép kinh doanh, cấp đăng ký thông báo cho website thương mại điện tử kinh doanh thuốc lá thế hệ mới.
Sáng nay (12/11), Bộ trưởng Y tế sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi chất vấn. Trong đó, đáng chú ý là chất vấn của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nêu về "3 chân kiềng" ngành y tế gồm dự phòng, điều trị và cung ứng đều rất khó khăn.
Về cung ứng, Đại biểu TPHCM dẫn chứng về tình trạng thiếu thuốc triền miên. Bệnh nhân thiếu thuốc phải tự mua thuốc BHYT và "cho tới giờ vẫn chưa có một động thái nào ở phía cơ quan chức năng để có thể đền bù lại chi phí này".
Về điều trị, bao giờ Bộ sẽ có tổng kết về mô hình xã hội hóa các cơ sở khám, chữa bệnh để tăng tính tự chủ chứ không chỉ cắt giảm về chi ngân sách. Bộ trưởng có "đấu tranh" gì để tăng ngân sách đầu tư cho ngành y tế?
Về dự phòng, đại biểu hỏi thu nhập của nhân viên y tế và tình trạng xin nghỉ việc đã có cải thiện gì và nếu dịch bệnh quay lại thì ngành y tế có tự tin ứng phó?
Đến khoảng 9h, sau phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ chủ trì điều hành chất vấn nhóm lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Nhóm lĩnh vực này gồm các vấn đề: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng. Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng các Bộ: KH&ĐT, Tài chính, NN&PTNT, VHTT&DL, KH&CN, Công an; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đến khoảng 15h15 chiều, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Cuối kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn làm cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện và cũng là cơ sở để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội giám sát.
Đồng thời, các bộ trưởng, trưởng ngành thông qua chất vấn của đại biểu Quốc hội sẽ có thêm thông tin để hoàn thiện các giải pháp có hiệu quả trong việc chỉ đạo, điều hành, tạo chuyển biến thực sự trong từng lĩnh vực quản lý.