Nhờ thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, hội đoàn thể trên địa bàn chuyển tải vốn vay ưu đãi cho 475.089 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách  với doanh số đạt 7.693,5 tỷ đồng.

Nhờ các chương trình tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho hộ vay có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, chuyển đối cây trồng vật nuôi, cải thiện đời sống vươn lên thoát nghèo, góp phần giúp 63.279 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hàng vạn lao động…. Tổng dư nợ các chương trình cho vay tính đến tháng 11/2022 đạt 2.805 tỷ đồng với 76.551 khách hàng còn dư nợ, trong đó dư nợ cho vay vùng khó khăn là gần 349 tỷ đồng, với 10.407 hộ còn dư nợ; cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 1.417 tỷ đồng với 46.180 hộ còn dư nợ; cho vay huyện nghèo 30a là 224,7 tỷ đồng với 5.362 hộ còn dư nợ.

Từ vốn vay giải quyết việc làm gia đình anh Cha Ma Lý Hải, dân tộc Raglai ở thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc có điều kiện nuôi dê, cừu, trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. 
Được vay 90 triệu chương trình hộ nghèo, gia đình chị Mang Thị Liên, dân tộc Raglai ở xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận đầu tư nuôi bò sinh sản cho hiệu quả tốt. 
Cán bộ Ngân hàng phối hợp với hội, đoàn thể thường xuyên kiểm tra hộ sử dụng vốn vay góp phần đưa nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn. 
Vốn vay chương trình hộ mới thoát nghèo giúp gia đình ông Phạm Xuân Thu ở thôn Lương Cang 2, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận có điều kiện cải tạo vườn trồng táo cho thu hoạch hàng tấn quả. 
Gia đình ông Đào Tấn Đẩu ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận vay vốn chương trình giải quyết việc làm đầu tư nuôi bò, dê cho hiệu quả tốt.  
Vốn vay chương trình giải quyết việc làm đã giúp gia đình chị Lộ Nữ Ánh Xuyên, dân tộc Chăm ở huyện Ninh Phước có điều kiện làm nghề dệt thổ cẩm, gia đình có việc làm và thu hút 3 lao động.
Gia đình chị Đàng Thị Ngọc Danh, dân tộc Chăm ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận vay vốn chương trình hộ cận nghèo đầu tư máy móc, nguyên liệu làm nghề dệt thổ cẩm, gia đình có việc làm, thu nhập ổn định.
Có thêm vốn vay ưu đãi gia đình bà Phạm Thị Ngọc Hường ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải có điều kiện mở rộng diện tích trồng nho cho hiệu quả kinh tế cao. 
Từ vốn vay chương trình cho vay hộ nghèo, gia đình ông Phạm Cang ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải có điều kiện nuôi cừu sinh sản, hiện có 50 con trị giá hàng trăm triệu đồng.
Có thêm vốn vay ưu đãi cơ sở sản xuất gốm Đàng Xem ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận có điều kiện duy trì, phát triển nghề làm gốm.
Vốn vay ưu đãi giúp gia đình ông Phạm Văn Ngọc ở thôn Mỹ Phong, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải có điều kiện cải tạo vườn trồng hành cho giá trị kinh tế tốt.

Trần Việt