Đòn bẩy giúp giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng chục nghìn gia đình tại Cao Bằng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, trồng rừng, phát triển chăn nuôi, sửa chữa, làm mới nhà ở, đi xuất khẩu lao động... thoát nghèo bền vững và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Cách đây 5 năm, gia đình anh Nông Văn Hải ở xóm Yên Luật, thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng là hộ nghèo, có diện tích vườn khá rộng nhưng do thiếu vốn, gia đình anh Hải cứ mãi sống trong vòng luẩn quẩn nghèo khó. Năm 2014 gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn từ chương trình cho vay hộ nghèo với số tiền ban đầu là 15 triệu đồng, đầu tư mua được 01 cặp con trâu cái, sau 3 năm đã đẻ được hai con và bán một con để trả nợ.

Tuy nhiên mô hình kinh tế của gia đình vẫn nhỏ lẻ và manh mún, thu nhập chưa ổn định, chưa đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Năm 2017, anh tiếp tục xin vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo để mua 02 con trâu sinh sản và đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt và mua 03 con lợn nái để gây đàn. Đến năm 2020, có 5 con và 20 con lợn thịt đến kỳ xuất chuồng, cho tổng thu nhập sau khi trừ chi phí có lãi trên 100 triệu đồng. Sau mấy năm cần mẫn vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, gia đình anh Hải đã thu được một số kết quả nhất định, đồng vốn chính sách đã phát huy hiệu quả và năm 2020 gia đình anh đã thoát khỏi hộ nghèo, trả hết nợ ngân hàng.

Không dừng ở đó, thấy chăn nuôi có hiệu quả, năm 2021 anh tiếp tục vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để tiếp tục đầu tư vào nuôi trâu sinh sản và trồng thêm các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, cây cam, cải tạo đất bỏ hoang để trồng cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi trâu. Hiện nay gia đình đã có 7 con trâu và đàn lợn thịt, lợn nái sinh sản giá trị khoảng trên 200 triệu đồng.

Cũng như anh Hải, anh Nguyễn Văn Kỳ ở xóm Nguyên Giáp xã Nam Tuấn, huyện Hòa An được vay trên 70 triệu từ chương trình hộ gia đình SXKD vùng khó khăn, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường cùng với số tiền gia đình dành dụm được, anh đã mạnh dạn mua máy móc, mua lợn giống, đầu tư trồng cây ăn quả, cây thuốc lá, nuôi gà đẻ trứng... hàng năm gia đình thu nhập khoảng 70 triệu đồng.

Những thành quả đạt được đã mang đến một bức tranh đầy màu sắc trong hoạt động tín dụng chính sách suốt 20 năm qua và cho thấy NHCSXH tỉnh ngày càng đóng vai trò quan trọng, luôn là đầu tàu trong công tác xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,98% xuống còn 20,32% (tỷ lệ giảm 12,66% so với đầu giai đoạn). Số hộ nghèo giảm trong giai đoạn 13.809 hộ; giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 42,53% xuống còn 22,06% (tỷ lệ giảm 20,47% so với đầu giai đoạn). Số hộ nghèo giảm trong giai đoạn 19.555 hộ.

Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Báo cáo trình bày tại Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/1/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác của tỉnh Cao Bằng cho thấy, đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ cho vay các chương trình hơn 3.200 tỷ đồng, với 56.424 khách hàng dư nợ, bình quân dư nợ 57 triệu đồng/khách hàng, tỷ lệ nợ xấu 0,1%.

Nguồn vốn vay đã được sử dụng đúng mục đích để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc địa phương.

Lũy kế trong 20 năm, Ngân hàng Chính sách - Xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Cao Bằng đã cho 421 nghìn lượt hộ vay vốn, với tổng doanh số cho vay 9.750 tỷ đồng, doanh số thu nợ 6.518 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt hơn 2.705 tỷ đồng, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 77,1 tỷ đồng, nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân đạt 452,7 tỷ đồng. Riêng năm 2022, huy động tiền gửi tiết kiệm đạt trên 40 tỷ đồng. Tổng dư nợ 18 chương trình tín dụng ưu đãi tại tỉnh Cao Bằng đạt 3.228 tỷ đồng, với 56.554 hộ vay vốn, dư nợ bình quân đạt 57 triệu đồng/khách hàng/năm.

Dư nợ tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đạt hơn 1.310 tỷ đồng, với 24.180 khách hàng vay vốn. Các chương trình tín dụng tập trung chủ yếu cho vay hộ nghèo (chiếm 41,84%); cho vay hộ cận nghèo (chiếm 20,34%); cho vay hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn (13,95%); cho vay hỗ trợ việc làm (10,98%).

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 421.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất; giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động; hỗ trợ trên 2.000 người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng trên 61.500 công trình vệ sinh và nước sạch.

Bên cạnh đó, hỗ trợ trên 22.300 học sinh - sinh viên học tập tại các trường đại học, cao đẳng; hỗ trợ trên 400 học sinh - sinh viên hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập; hỗ trợ xây dựng trên 8.100 căn nhà cho hộ nghèo, xây dựng trên 200 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp. Mạng lưới 161 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn với 2.162 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả tại 1.462 thôn, tổ dân phố, thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị - xã hội.

Đề nghị kéo dài thời gian vay vốn đối với hộ mới thoát nghèo từ 3 năm lên 5 năm

Trong giai đoạn đến 2030, tỉnh Cao Bằng tập trung các nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách, xác định tín dụng chính sách là công cụ của cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương; thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù của NHCSXH. Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Tăng cường huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân, nhận tiền gửi từ thành viên của Tổ TK&VV, phấn đấu đạt 100% trở lên kế hoạch tăng trưởng được giao hằng năm.

Phấn đấu đến năm 2025, nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng từ 5% trở lên trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh; phấn đấu tỷ lệ nợ xấu dưới 0,10%/tổng dư nợ; trong đó, nợ quá hạn bằng hoặc thấp hơn ở mức bình quân toàn quốc; trên 70% số xã không có nợ quá hạn; tỷ lệ thu hồi nợ đến hạn kỳ cuối và tỷ lệ giao dịch xã bình quân đạt từ 98% trở lên. Đa dạng hoá các sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ phù hợp với hoạt động của NHCSXH trong thời kỳ mới. Phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức CT-XH nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Cao Bằng đề nghị, Trung ương cho phép kéo dài thời gian vay vốn đối với hộ mới thoát nghèo từ 3 năm lên 5 năm để các hộ có nguồn vốn ổn định, đầu tư sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, kéo dài thời gian vay từ 5 năm lên 10 năm để phù hợp với hộ đầu tư các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài, như trồng rừng, trồng cây ăn quả. Đối với chương trình cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, nâng hạn mức cho vay từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/hộ.

Bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách đối với hộ trung bình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, giúp các hộ có nguồn vốn đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Hòa An