Lên Hue - S mà… “méc”
Phản ánh hiện trường, Thông báo cảnh báo, Dịch vụ thiết yếu, Giao thông di chuyển, Giáo dục đào tạo, Y tế sức khỏe, Di sản văn hóa, Quy hoạch đất đai là 8 nhóm dịch vụ, tiện ích được triển khai trên Hue - S. Bên cạnh đó, các tính năng bổ sung như Ví điện tử, Mua sắm trực tuyến cũng đang được tích hợp. Việc tương tác thông tin 2 chiều không chỉ qua đường dây nóng, mà các nền tảng xã hội như Facebook (https://www.facebook.com/HueIOC/) và Zalo cũng được tích hợp để đưa Hue - S thực sự trở thành người bạn của dân Huế.
Chia sẻ về ứng dụng này, ông Phan Ngọc Thọ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên Huế chia sẻ: Trước khi Thừa Thiên Huế bắt tay vào xây dựng thành phố thông minh, lãnh đạo tỉnh đã tham quan nhiều mô hình thành phố thông minh trên thế giới. Tuy nhiên, phí tư vấn "khủng", mô hình khác biệt, hạ tầng số của địa phương chưa đáp ứng, nhân sự chưa được đào tạo… chính là những rào cản. "Hướng ngoại" không được thì quay về tìm kiếm các doanh nghiệp trong nước, và Viettel được chọn để trở thành “thợ may” để thiết kế, kiến tạo Hue - S, biến cố đô Huế đẹp hơn trong kỷ nguyên 4.0.
Cũng theo ông Thọ: “Mô hình của Viettel áp dụng cho Thừa Thiên Huế cho thấy, không cần phải là một đô thị với quy mô kinh tế quá lớn, không cần phải là một dự án quá đồ sộ. Chỉ với khả năng tài chính vừa phải, Thừa Thiên Huế vẫn có thể xây dựng smartcity (thành phố thông minh) hiệu quả trong khả năng của mình, vận hành trơn tru phục vụ người dân với kinh phí hợp lý… IBM hoặc Microsoft từng đưa ra những giải pháp rất hữu hiệu, quy mô, nhưng khả năng về kinh tế của tỉnh không cho phép. Hue - S ra đời chính là "chiếc áo" vừa nhất, đảm bảo túi tiền”.
Giờ đây, khi có việc gì người dân chỉ cần lên Hue - S mà “méc”, từ giải quyết thủ tục hành chính tới báo án, báo tai nạn giao thông… Mọi việc được app đưa tới các cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng. Ông Phan Thanh Bình, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện có 800.000 người cài đặt Hue - S (đạt tỷ lệ 100,1% người dân Huế dùng smartphone đã cài ứng dụng). Qua 3 năm triển khai, người dân đã yêu mến gọi Hue - S là Huế “méc”. Mọi tiếng nói, phản ánh cả tốt và xấu của người dân lên chính quyền và phản hồi của chính quyền tới người dân đều được xử lý mà không có “vùng cấm”. Dân cần gì, cứ lên Hue - S mà… “méc”!
Không cần khuôn mẫu, chỉ cần lãnh đạo quyết liệt
Thực tế, thời điểm 2019 (khi Huế - S ra đời), Việt Nam chưa có bất cứ mô hình trung tâm điều hành thông minh hay nói rộng hơn là đô thị thông minh đã thành công nào để có thể tham chiếu.
“Chúng tôi tâm niệm rằng, câu hỏi đúng quan trọng hơn là câu trả lời, bài toán tường minh quan trọng hơn là lời giải. Viettel và Thừa Thiên Huế hợp tác trên tinh thần đó và Hue - S đã đi đúng hướng. Khi Viettel bắt tay xây dựng Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) cho Thừa Thiên Huế, chúng tôi phải tưởng tượng ra mô hình làm sao để có thể phù hợp với điều kiện của địa phương”, ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solution (VTS) kể lại.
Ở góc độ chính quyền, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết thêm: Thành công của Hue - S nói riêng, mô hình đô thị thông minh nói chung của địa phương là do sự quyết liệt của ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ. “Sự thành công của Huế là đã tìm được doanh nghiệp “may đo” tốt, có được lãnh đạo quyết tâm và quyết liệt cùng sự đồng hành ủng hộ của doanh nghiệp, người dân”, ông Bình nhận xét chắc nịch.
Được biết, Hue - S đang cập nhật dữ liệu của doanh nghiệp để đưa doanh nghiệp tương tác trực tiếp với chính quyền như cách người dân tương tác với chính quyền hiện nay. Khi ấy, 3 bên gồm: chính quyền – doanh nghiệp - người dân có thể giao dịch trực tiếp 24/7, từ các dịch vụ đơn thuần như thanh toán tiền điện, nước, vệ sinh..., cho tới các thủ tục hành chính/dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ du lịch thông minh (đặt phòng khách sạn, gọi taxi, tra cứu bản đồ số, thông tin địa điểm tham quan…), đường dây nóng giao thông, cứu hỏa, y tế… sẽ đều có trên Huế - S.
Thái Khang
(Bài đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số Xuân Quý Mão 2023)