Một điếu thuốc lá bao gồm 10-20 mg nicotine và hơn 2.500 chất hóa học khác nhau. Khi đốt điếu thuốc, một loạt chất độc khác phát sinh, tăng lên thành 7.000 chất hóa học trong khói, gồm 4 nhóm sau: 

Oxyde carbon (CO) đi nhanh vào máu và chiếm chỗ của oxy trên hồng cầu. Khi đó, một lượng hồng cầu trong máu tạm thời mất chức năng vận chuyển oxy vì đã gắn kết với CO. Hậu quả là cơ thể không đủ oxy để sử dụng gây tác động lên đường hô hấp. 

Hắc ín là những chất có có khả năng sinh ung thư như benzopyrene, chlorua vinyl (thành phần túi nhựa tổng hợp), napthalene (chất diệt mối), diméthynitrosamine, dibenzacridine...

Chất kích thích aldenydes, acroleine, phénols…. kích thích phế quản, là nguồn gốc gây nên các bệnh hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, làm nặng thêm bệnh hen… 

Nicotine gây ra các hiệu ứng tâm thần kinh, quyết định việc phát sinh và duy trì tình trạng nghiện thuốc lá.

hut thuoc.jpg
Thuốc lá có tác động khác nhau tùy từng người. Ảnh minh họa

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Tobacco Control cho thấy một người có thể nghiện thuốc lá chỉ sau khi hút 2 điếu trong 1 tuần. Thanh thiếu niên nghiện rất nhanh vì bộ não đang trong giai đoạn trưởng thành, dễ bị tác động hơn so với người lớn, do đó, hút thuốc lá càng sớm thì nguy cơ nghiện càng cao. Nữ dễ nghiện hơn nam.

Tùy theo đặc điểm thể chất do gene quy định sẽ quyết định mức độ nhạy cảm của thụ thể nicotine trong não đối với nicotine trong thuốc lá, nghiện thuốc lá có thể xảy ra ở người này mà không xảy ra với người khác. Khi thụ thể nicotine nhạy cảm, quá trình nghiện khởi động lập tức từ điếu đầu tiên, khi nicotine gắn kết lên thụ thể chứ không nhất thiết phải đợi đến khi hút nhiều mới gây nghiện.   

Theo thông tin từ Quỹ Phòng chống Tác hại của Thuốc lá (Bộ Y tế), hút thuốc cho dù chỉ là vài điếu mỗi ngày, hoặc lâu lâu mới hút một lần đều có hại cho sức khỏe. Không có ngưỡng an toàn trong hút thuốc lá.

Do cơ thể mỗi người khác nhau nên tác hại của thuốc lá cũng ở nhiều mức độ khác nhau. Một số trường hợp hút thuốc lá bị ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rất sớm, một số khác xuất hiện bệnh chậm hơn, thậm chí có một số người hút thuốc lá đã 30-40 năm chưa xuất hiện các bệnh nặng do tác hại của thuốc lá.

Bệnh lý hàng đầu do thuốc lá gây ra là ung thư: Ung thư phế quản đứng đầu danh sách kế đến là ung thư thanh quản, vòm hầu, khoang miệng, thực quản, dạy dày, tụy tạng, bàng quang, thận; ung thư vú và cổ tử cung ở nữ.

Những bệnh lý không phải ung thư do thuốc lá gây ra cũng rất nhiều gồm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; bệnh tim mạch; bệnh lý đường tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng; ảnh hưởng lên chức năng sinh sản, diễn tiến bình thường của thai kỳ. 

Tuy nhiên, chúng ta không có cách nào để biết được ai là người nhạy cảm, sẽ sớm bị tác hại do thuốc lá; ai là người ít nhạy cảm với thuốc lá: sẽ chậm nhận tác hại. Bởi vậy, các chuyên gia đều khuyến cáo mọi người không nên hút thuốc hoặc cai sớm nhất có thể.