Chia sẻ tại hội thảo cung cấp thông tin về giải pháp phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm tổ chức hồi tháng 9, ông Mark Goodchild, chuyên gia chính sách tài chính y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết hiện nay trên thế giới, có 3 loại sản phẩm không tốt cho sức khỏe đang được tiêu thụ quá mức, đó là thuốc lá, đồ uống có cồn (rượu, bia) và đồ uống có đường. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tại Việt Nam, nhiều bệnh không lây nhiễm (như đột quỵ, tim mạch, tiểu đường và ung thư) đã gia tăng do việc tiêu thụ quá mức các sản phẩm không tốt cho sức khỏe. Các bệnh này cướp đi sinh mạng khoảng 500.000 người ở nước ta mỗi năm. Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. 

Một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng này là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao. 

W-thuocla6-1-1.jpg
Theo nghiên cứu tại Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%

Đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu tại nước ta trong nam giới đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, gần 39%, theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá người trên 15 tuổi tại 30 tỉnh, thành năm 2022-2023.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng trong nhóm trẻ. Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi từ 13-15 tuổi năm 2022, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi này là 3,5% (nam giới là 4,3% và nữ giới là 2,8%). Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong nhóm tuổi trưởng thành trên 15 tuổi là 3,6%.

Theo các chuyên gia y tế, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, giá thấp khuyến khích giới trẻ và người nghèo sử dụng. Thuốc lá ở nước ta được bày bán khắp nơi, giá rẻ, người dùng có thể tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng.

Thêm vào đó, một số sản phẩm thuốc lá mới như: Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha... chưa có quy định quản lý rõ ràng. Việc thanh, thiếu niên sớm hút thuốc lá điện tử sẽ dễ nghiện thuốc lá điếu hơn. Trong khi đó, công tác kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tác hại thuốc lá chưa được thực hiện thường xuyên và quyết liệt tại các cấp.

Bên cạnh đó, chi phí điều trị 5 nhóm bệnh, gồm: Ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ/tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra trên thế giới khoảng 1-2% GDP, còn tại Việt Nam khoảng 1% GDP (tương đương với 67.000 tỷ đồng).

Đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 25 bệnh. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi. Theo nghiên cứu tại Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%.

WHO dự báo, đến năm 2030, số ca tử vong hàng năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá sẽ tăng lên tới 70.000 người nếu các biện pháp phòng, chống thuốc lá không được thực hiện hiệu quả.

“Nếu giữ nguyên mức tiêu thụ rượu, bia và thuốc lá như hiện nay, tỷ lệ tử vong bởi các bệnh không lây nhiễm sẽ không giảm. Do đó, cần phải tăng thuế, tăng giá bán lẻ đối với tất cả các sản phẩm không tốt cho sức khỏe ở Việt Nam, nhất là thuốc lá để giảm mức tiêu thụ. Từ đó, giảm gánh nặng bệnh tật, giảm gánh nặng đối với hệ thống y tế”, ông Mark Goodchild nhấn mạnh.

Văn Điệp và nhóm PV, BTV