Sáng 11/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo kết quả thực hiện giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Thông tin tại phiên họp, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đến 31/12/2022, tổng nguồn lực đã huy động để trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch là trên 236 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách nhà nước là trên 189 nghìn tỷ đồng; huy động từ các nguồn viện trợ (chủ yếu là vaccine), tài trợ là trên 47 nghìn tỷ đồng. Quỹ vaccine phòng chống dịch Covid-19 đã huy động được trên 15,1 nghìn tỷ đồng.
Về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước. Nhân lực từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng, trong đó nhân lực y tế tuyến huyện chiếm 34,6% trên tổng số nhân lực y tế các tuyến và tuyến xã là 15,8%.
“Khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên. Các trạm y tế xã thực hiện quản lý bệnh không lây nhiễm, và bước đầu triển khai việc quản lý sức khỏe người dân”, bà Nguyễn Thúy Anh cho hay.
Bên cạnh kết quả đạt được, đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra nhiều hạn chế như các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh; còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự.
Trong việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhận thức về vai trò của y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đầy đủ; nguồn nhân lực tuy đã được củng cố song vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, năng lực chuyên môn, chưa đáp ứng được khi có dịch bệnh lớn xảy ra.
Đáng lưu ý, chế độ, chính sách đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn còn thấp, chưa thỏa đáng nhưng chậm được điều chỉnh, chưa đủ để thu hút, giữ chân cán bộ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở, y tế dự phòng.
“Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương, nhất là sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19”, bà Nguyễn Thúy Anh nói.
Từ kết quả giám sát, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết giám sát trên cơ sở cho phép thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phải hoàn thành trước 31/12/2023.
Cụ thể, cho phép xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản được tài trợ, cho, biếu, tặng từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2022 tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Đoàn giám sát kiến nghị cho phép thanh toán, quyết toán chi phí đối với thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị thực tế sử dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn trước ngày 31/12/2022 theo giá và thủ tục thanh toán do Chính phủ quy định.
Cho phép thanh toán, quyết toán chi phí đã cung cấp thực tế dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV2 theo cơ chế đặt hàng nhưng chưa có hợp đồng đặt hàng theo khối lượng thực tế phát sinh theo giá do UBND cấp tỉnh quyết định.