Vừa qua, UBND huyện Nghi Xuân đã phối hợp với Cục Chuyển đối số quốc gia tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức chuyển đổi số cho cán bộ các cơ quan, đơn vị cấp huyện, thị trấn,  xã, Tổ công nghệ số cộng đồng các địa phương.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến tới điểm cầu của 17 xã, thị trấn với gần 1.200 cán bộ tham gia.

Toàn cảnh buổi tập huấn nâng cao kiến thức chuyển đổi số tại điểm cầu UBND huyện Nghi Xuân.

Tham dự buổi tập huấn tại điểm cầu UBND huyện có bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia; ông Dương Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh; ông Phan Tấn Linh, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân cùng các Ủy viên BTV Huyện ủy, các phòng ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện.

Theo nội dung kế hoạch, hội nghị sẽ được nghe 4 chuyên đề gồm: Chủ trương, định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong chương trình chuyển đổi số quốc gia; tổ chức triển khai dữ liệu số trong cơ quan Nhà nước; quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sử dụng ngân sách Nhà nước; thúc đẩy các hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương.

Trao đổi với VietNamNet, ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết, chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng và là một xu thế tất yếu, cho nên thời gian gần đây, đặc biệt là từ năm 2023, huyện đã tập trung cao trong công tác lãnh đạo chỉ đạo. Kết quả đầu tiên phải khẳng định đó là đã xây dựng kế hoạch và triển khai ngày hội chuyển đổi số ở các xã rất quy mô bài bản. Đến nay, đã tổ chức thực hiện được 10/17 xã.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, tại các ngày hội này, rất nhiều doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ liên quan đến người dân trên nền tảng số tham gia như bưu điện, ngân hàng, điện lực, trung tâm hành chính công, công an,… Kết quả bình quân mỗi xã có trên 1.000 người đến tham dự ngày hội chuyển đổi số cộng đồng để thực hiện các dịch vụ, các thao tác ứng dụng chuyển đổi số.

Ông Bùi Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho rằng, để thực hiện chuyển đổi số thành công trước hết phải nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và người đứng đầu.

“Để thực hiện chuyển đổi số thành công trước hết phải nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và người đứng đầu. Vì thế, huyện đã phối hợp Cục Chuyển đối số quốc gia tổ chức tập huấn để nâng cao nhận thức, kỹ năng cho lãnh đạo, đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện, các ban ngành, địa phương đến tận thôn, xóm. Đã có trên 1.200 người tham gia bằng hình thức cả trực tiếp và trực tuyến”, ông Bùi Việt Hùng cho hay.

Cũng theo ông Bùi Việt Hùng, qua hội nghị, Cục Chuyển đổi số quốc gia đánh giá rất cao cách làm của Nghi Xuân. Hy vọng trong thời gian tới, bằng sự chỉ đạo, bằng quyết tâm và cách làm này chắc chắn chuyển đổi số ở Nghi Xuân sẽ có sự phát triển đột phá, vượt bậc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cũng xác định, việc chuyển đổi số trên địa bàn đang còn gặp nhiều khó khăn do chưa đồng bộ về hạ tầng số và nhận thức của người dân, đặc biệt là kinh nghiệm, kỹ năng của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, thiếu quyết liệt. Hội nghị sẽ cung cấp những thông tin, kiến thức một cách toàn diện, gợi mở nhiều giải pháp giúp huyện thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số.

Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục chuyển đổi số quốc gia cho biết, Nghi Xuân là huyện đầu tiên trong cả nước phối hợp Cục Chuyển đổi số quốc gia tập huấn chuyển đổi số. Trên cơ sở nội dung bài giảng, hội nghị sẽ được tiếp cận những bài học thực tiễn, thiết thực, gần gũi với địa phương, phù hợp với đặc thù và tình hình của huyện.

Tham gia hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức chuyển đổi số, bà Lê Thị Sáu, Phó chủ tịch UBND xã Cương Gián chia sẻ, buổi tập huấn đã nêu được lợi ích, các chủ trương của Nhà nước về chuyển đổi số giúp cán bộ địa phương áp dụng vào thực tiễn.

Theo bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Nghi Xuân là huyện đầu tiên trong cả nước phối hợp Cục Chuyển đổi số quốc gia tập huấn về lĩnh vực này.

“Trước đây, nhiều người nghĩ rằng chuyển đổi số như là công nghệ thông tin, chưa hiểu được bản chất của vấn đề này, mọi điều hành về thôn xóm theo cách thông thường như gọi điện hoặc đưa giấy mời trực tiếp. Ngày nay, có thể điều hành qua hệ thống Zalo đối với từng nhóm để trao đổi nội dung công việc”, bà Sáu thông tin.

Theo Phó chủ tịch UBND xã Cương Gián, ngoài hệ thống truyền thanh, mỗi thôn xóm sẽ thành lập nhóm Zalo của tổ chuyển đổi số và các thành viên phụ trách. Thôn cũng thành lập nhóm hộ gia đình để chuyển tải các văn bản chỉ đạo của cấp trên khi cần.

Quốc Hoàn Trần, Trần Thị Ngọc Minh, Bùi Bình Minh, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Thị Diệu Bình

Ngọc Minh và nhóm PV, BTV