Giáo dục là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã xác định phát triển giáo dục đào tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần ưu tiên hàng đầu.
Ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên cho hay, ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động, tích cực vào cuộc với quyết tâm cao để hoàn thành 2 tiêu chí, gồm Tiêu chí số 5 về trường học và Tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên cùng với các trường học trên địa bàn đã chủ động rà soát tình hình thực tế để có cái nhìn tổng quát nhất về 2 tiêu chí này. Kết quả rà soát cho thấy, khó khăn nhất chính là về cơ sở vật chất ở Tiêu chí số 5 và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học lên trung học (phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp) ở Tiêu chí số 14.
Giải quyết những khó khăn đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên đã chủ động tham mưu với UBND huyện Điện Biên bố trí các nguồn vốn nhằm đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất và bổ sung đồ dùng, trang thiết bị dạy học, đồ chơi… cho các trường, trong đó ưu tiên những trường trong kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Phòng cũng chủ động phối hợp với UBND các xã và các phòng, ban của huyện Điện Biên để tham mưu cho UBND huyện mở rộng diện tích đất ở các trường nhằm đảm bảo diện tích đất đạt chuẩn và có vị trí thuận lợi để xây dựng cơ sở vật chất. Trong 15 năm qua đã mở dộng diện tích cho 40 nhà trường với tổng diện tích được mở rộng 35.000 m2.
Trong năm học 2022 – 2023, huyện Điện Biên có 70 trường và 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên với 984 lớp và gần 28 nghìn học sinh. Toàn huyện có 1.872 cán bộ quản lý, giáo viên.
Số lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn tiếp tục tăng, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý, giáo viên được đẩy mạnh, tăng cường thực hiện linh hoạt phù hợp tình hình thực tế nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Qua đó, đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đổi mới giáo dục. 100% giáo viên được bồi dưỡng kiến thức về thực hiện đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Ông Nông Quang Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho hay, huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo quán triệt tới các cơ sở giáo dục tập trung triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm học. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học.
Theo đó, công tác rà soát, sắp xếp học sinh, bộ máy nhân sự trong các nhà trường được triển khai có hiệu quả, theo hướng tinh gọn, phù hợp với thực tế. Việc triển khai Kế hoạch tổng thể thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn được thực hiện đúng tiến độ.
Công tác chỉ đạo thực hiện đảm bảo an ninh, an toàn trường học được đẩy mạnh. Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc học sinh ở bán trú. Chất lượng giáo dục toàn diện học sinh được đảm bảo, nhiều học sinh được khen thưởng các cấp.
Công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục – xóa mù chữ được triển khai tích cực, hiệu quả. 61 trường được công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục (vượt 2,9% so với kế hoạch). 64 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Tính đến nay, toàn huyện Điện Biên có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, có 4 xã cơ bản đạt chuẩn, 5 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí và không còn xã nào dưới 10 tiêu chí. Đối với Tiêu chí số 5 về trường học, toàn huyện có 20/21 xã đạt chuẩn. Cùng với đó, toàn bộ 21 xã đạt chuẩn Tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo.
Huyện Điện Biên mới chỉ có xã Noong Hẹt cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với 17/19 tiêu chí. Tuy nhiên, địa phương đã có 11/21 xã đạt chuẩn Tiêu chí số 5 về giáo dục theo Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Theo cô Mạc Thị Phương Hảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Noong Hẹt cho biết: “Gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhà trường đã duy trì vững chắc các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2. Nhà trường luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt”.
Những năm qua, Trường Tiểu học Noong Hẹt là một trong những đơn vị đi đầu phong trào về nâng cao chất lượng dạy học. Qua đó, nhà trường vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh và Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Đối với Trường Trung học cơ sở Noong Hẹt, năm 2024, trường có 506 học sinh và 32 cán bộ quản lý, giáo viên. Nhà trường lấy chất lượng dạy học làm tiêu chuẩn chính đánh giá, xếp loại giáo viên và bình xét danh hiệu thi đua.
Cùng với đó, việc dạy và học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học có hiệu quả thiết thực. Qua đó, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự giác của học sinh trong học tập.
Nói về thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, cô Nguyễn Thị Yến, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, Trường Trung học cơ sở Noong Hẹt luôn nỗ lực để duy trì các tiêu chí đã đạt được. Trong đó, chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đảm bảo cơ sở vật chất, lắp đặt các dụng cụ thể thao ngoài trời phù hợp với lứa tuổi học sinh.