Ngồi nhà bán nông sản khắp nước

Bắt đầu làm mô hình trồng ớt chào mào, anh Lỷ Văn Quạn (thôn Phài Giác, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) luôn lo lắng đầu ra cho sản phẩm do việc tiêu thụ trong huyện miền núi không đáng kể.

Được tổ chuyển đổi số cộng đồng của thôn hỗ trợ, anh Quạn cài đặt, đăng ký tài khoản ngân hàng, cập nhật sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart để tiêu thụ. Nhờ đó, sản phẩm ớt của gia đình được nhiều người biết đến, tiêu thụ rộng khắp, mang lại thu nhập cao. 

Theo anh Quạn, việc đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số rất cần thiết, không chỉ giúp người dân cập nhật, tìm hiểu các thông tin về kỹ thuật trồng trọt mà còn có thể quảng bá sản phẩm đi khắp mọi miền đất nước.

Tại các xã vùng cao của huyện Tiên Yên như Đại Dực, Hà Lâu hay Điền Xá, 100% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thời gian qua các tổ công công nghệ số cộng đồng tích cực hỗ trợ người dân cài đặt và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh. 

vungcao1.jpg

Trước đây, để mua nhiều mặt hàng, bà con ở xã phải lặn lội đến thị trấn mới có thì nay có thể ngồi nhà đặt hàng qua mạng, shipper đưa đến tận nhà. Các thông tin của xã, huyện cũng được bà con cập nhập qua Zalo, Facebook một cách nhanh chóng, tiện lợi. 

Được biết tại Tiên Yên có 85 tổ công nghệ số cộng đồng đang tích cực hoạt động. Huyện cũng đang đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện hệ thống thông tin tại địa phương để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số. Mục tiêu của huyện là tối ưu hóa hệ thống thông tin tại UBND cấp xã; xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ để kết nối thương mại điện tử cho các sản phẩm đặc trưng, hỗ trợ các thiết bị giúp người dân truy cập Internet…từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. 

Du lịch 4.0 ở bản xa vùng biên giới 

Chuyển đổi số đã và đang từng bước thay đổi, tạo diện mạo mới cho vùng cao với nhiều bản bà con dân tộc thiểu số. Tại thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, anh Dường Phúc Thím làm dịch vụ du lịch đã được 2 năm. Nhằm thu hút du khách, anh Thím học hỏi, đầu tư, sử dụng wifi, mạng xã hội để giới thiệu cảnh đẹp bản làng, dịch vụ du lịch của gia đình, địa phương. Nhờ đó, ngày càng có nhiều du khách biết đến thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn.

Cũng ở vùng núi cao này, anh Hoàng Văn Sằn được biết đến với homestay luôn đông khách nhờ dùng mạng xã hội để quảng bá những điểm đến, thắng cảnh của quê hương. Anh Sằn sở hữu cả vạn bức ảnh đẹp, video, thu hút hàng nghìn người theo dõi trên facebook, diễn đàn du lịch.  Anh Thím, anh Sằn được khen ngợi như những “đại sứ du lịch 4.0” của bản.   

Tại huyện Bình Liêu, công tác tuyên truyền nhằm hướng dẫn, khuyến khích người dân làm quen với các dịch vụ tiện ích trên không gian mạng đang tích cực được đẩy mạnh. Tổ chuyển đổi số cộng đồng của thôn dành nhiều thời gian hướng dẫn bà con hoàn thiện hồ sơ theo quy định bằng dịch vụ công mức độ 4, nhờ đó bà con có thể thực hiện các thủ tục giấy tờ liên quan đến các hoạt động kinh doanh, buôn bán ngay tại nhà qua điện thoại hoặc máy tính mà không phải di chuyển đoạn đường xa.

vungcao2.jpg

Công tác chuyển đổi số đang được địa phương nỗ lực triển khai trong tất cả các mặt đời sống xã hội như phát triển dữ liệu số; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; số hóa nhận và trả kết quả; sử dụng chữ ký số; đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nhân lực công nghệ số, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, truy suất nguồn gốc nông sản; đẩy mạnh thanh toán điện tử; thanh toán không tiền mặt…

Đối với địa bàn vùng núi, khoảng cách địa lý luôn là trở ngại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, những khó khăn thách thức về khoảng cách địa lý, tập quán sinh hoạt sản xuất được giảm bớt, mở ra “cánh cửa” hội nhập của bà con vùng cao. 

N.H