Lan toả mô hình thôn, xã thông minh
Với 275 hộ, thôn Đông là thôn đầu tiên trên địa bàn xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh triển khai xây dựng mô hình thôn thông minh. Theo đó, nhà văn hóa thôn được kết nối mạng Internet để phục vụ người dân truy cập, tìm hiểu thông tin. Các tổ công nghệ số cộng đồng tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số.
Việc đẩy mạnh phát triển môi trường số đã giúp thôn tổ chức tốt các hoạt động hội họp, sinh hoạt cộng đồng, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đến nay trên 95% các hộ dân trong thôn đã lắp đặt và sử dụng Internet. Người dân nơi đây đang quen dần với việc thực hiện thủ tục hành chính, tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, chính sách, giữ gìn ANTT… trên môi trường số. Các hộ gia đình dần chuyển sang dùng điện thoại thông minh tích hợp ứng dụng ngân hàng để chuyển khoản, quét mã QR code trong giao dịch thanh toán…
Mô hình này đang lan toả mạnh mẽ. Như tại thôn Đầm Buôn, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà, nhờ xây dựng thí điểm mô hình thôn thông minh, tại địa phương đã có tới 99% hộ gia đình sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng thông minh trên điện thoại.
Tại phường Yên Giang và xã Cẩm La, TX Quảng Yên - nơi thí điểm mô hình “Xã, phường chuyển đổi số”, các hoạt động chuyển đổi số cũng được triển khai tích cực. Không chỉ trợ giá cho người dân khi mua sắm điện thoại thông minh, địa phương phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông xây dựng các điểm nạp, rút kết hợp thanh toán; tư vấn và trang bị cho tiểu thương, hộ kinh doanh sử dụng mã QR để đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; hướng dẫn tạo lập điểm đến và quảng bá hình ảnh các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên bản đồ Google Maps.
Địa phương cũng đang sử dụng triệt để các phần mềm thuộc hệ thống chính quyền điện tử trong cơ quan nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; triển khai sử dụng 100% biên lai điện tử, thay thế toàn bộ biên lai giấy; gắn mã địa chỉ số cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; thí điểm tổ chức họp trực tuyến từ UBND xã, phường tới các thôn, khu phố...
Tại Việt Dân, TX Đông Triều - nơi đang triển khai xây dựng mô hình xã thông minh, để phát triển chính quyền số, các cán bộ, công chức đều tham gia lớp tập huấn liên quan đến vận hành, điều hành, nhận, chuyển các văn bản qua mạng. Các thủ tục dịch vụ công của xã được triển khai thực hiện ở mức độ 3. Xã từng bước áp dụng chuyển tài khoản lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, lao động hợp đồng... Các hàng quán, hộ kinh doanh triển khai nộp hoá đơn điện tử, các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua QR code... Đa phần các hộ sản xuất lớn trên địa bàn đều đã có tài khoản để thực hiện các giao dịch trên sàn thương mại điện tử.
Theo đánh giá, các mô hình thôn, xã thông minh bước đầu đã đem lại hiệu quả, đưa công nghệ đến gần hơn với người dân, góp phần sớm đưa các xã trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Thay đổi diện mạo nông thôn
Nghị quyết 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% các hộ gia đình được sử dụng dịch vụ Internet băng rộng, 95% hộ gia đình có Internet cáp quang; 100% người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh, 100% người dân có định danh số và mỗi gia đình có địa chỉ số...
Thời gian qua, 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng với sự tham gia của 11.255 thành viên trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân nắm kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản và giúp người dân tương tác với chính quyền, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số từ cấp cơ sở, đưa công nghệ số đến với mọi tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực thực hiện kế hoạch phủ sóng sóng di động, cáp quang Internet tới vùng sâu, vùng xa. Tính đến tháng 6/2023 đã hoàn thành xây dựng và phát sóng thông tin di động cho 54/54 trạm, phủ sóng cho 66 thôn đạt 100% so với kế hoạch. Triển khai hạ tầng và sẵn sàng cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cố định cho 97 thôn, đạt 86%.
Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, kéo gần hơn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, xây dựng nông thôn Quảng Ninh ngày càng văn minh, hiện đại.