Chính sách dân tộc triển khai sâu rộng

Huyện Nậm Nhùn có 11 dân tộc cùng sinh sống, trong đó DTTS chiếm trên 90%.

Những năm qua, huyện luôn chú trọng thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của bà con đồng bào DTTS trên địa bàn huyện ngày một nâng cao.

Khu tái định cư lòng hồ thuỷ điện Lai Châu, huyện Nầm Nhùn. 

Để triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào DTTS và miền núi, huyện Nậm Nhùn luôn chú trọng công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung có liên quan đến chính sách được triển khai sâu rộng đến người dân.

Hằng năm, trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội, triển khai thực hiện lồng ghép đầu tư thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt là chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội… vùng đồng bào DTTS, nhất là các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.

Năm 2022, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia được giao, huyện Nậm Nhùn đã giao 190.089 triệu đồng, trong đó, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTTS và miền núi là 100.285 triệu đồng. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. 

Nhiều dự án được triển khai như sắp xếp ổn định các khu dân cư bản Ma Sang (xã Nậm Pì), bản Huổi Van (xã Nậm Hàng); xây dựng, nâng cấp và mở rộng các tuyếnđường giao thông tại bản Nậm Vạc 1 (xã Nậm Ban), bản Nậm Cười - Nậm Tảng (xã Hua Bum), đường trung tâm xã Nậm Ban, Nậm Nó 1 - Ao Trâu  (xã Trung Chải)…

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, huyện đã vận động, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; triển khai đồng bộ biện pháp giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều. Thực hiện lồng ghép nhiều nguồn lực, chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Qua đó, giúp đồng bào DTTS thay đổi tập quán canh tác sản xuất, nếp nghĩ, cách làm.

Bộ mặt nông thôn biên giới đổi thay từng ngày

Nậm Ban là xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Nậm Nhùn, có gần 100% đồng bào DTTS sinh sống.

Những năm gần đây từ những nguồn lực hỗ trợ đầu tư của nhà nước cùng với khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, xã Nậm Ban đã đạt được nhiều thành tích đáng kể trên các lĩnh vực.

Nhờ triển khai và thực hiện tốt công tác dân tộc lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chính sách hỗ trợ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, hiện nay xã đã triển khai một số dự án, mô hình kinh tế như trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi gia súc, buôn bán dịch vụ nhỏ lẻ, tạo sinh kế lâu dài cho người dân trong xã giúp cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá hơn.

Bên cạnh đó được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, hệ thống đường giao thông đến trung tâm xã được đầu tư cơ bản, giao thông các bản đi lại thuận tiện 3 mùa góp phần giúp cho nhân dân giao lưu buôn bán hàng hóa và nông sản. Nhờ đó đã góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn biên giới, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng ổn định và được cải thiện. 

Theo thông tin từ xã Nậm Ban, tính đến nay, 100% bản trong xã đã có đường giao thông với tỷ lệ cứng hóa đạt 74%; nhiều mô hình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế được thực hiện như: mô hình trồng xoài 5,3ha, mận 2,5ha…

Cũng giống như Nậm Ban, xã biên giới Trung Chải có diện tích rộng, địa hình chia cắt giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. 

Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cấp ủy chính quyền xã Trung Chải đã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng xuất sản lượng. 

Đường vào xã biên giới Trung Chải được đầu tư xây dựng, giao thông thuận lợi giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế vươn lên xoá đói, giảm nghèo. 

Từ các chương trình chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, xã đã lựa chọn những nội dung hỗ trợ phù hợp với trình độ canh tác, đất đai khí hậu để thực hiện, từ đó mang lại hiệu quả cao. Tiếp tục rà soát ưu tiên đầu tư mới, nâng cấp sửa chữa các tuyến đường giao thông nội bản liên bản, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt để phục vụ sản xuất đi lại của người dân. 

Chủ tịch UBND xã Trung Chải Lò A Tư cho biết, tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm theo từng năm. Riêng trong năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 21,5 triệu đồng/ người/năm.

Không chỉ ở các xã biên giới, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, những năm qua, các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS được huyện Nậm Nhùn triển khai kịp thời, đúng đối tượng, phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong toàn huyện.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 33 triệu đồng/người, mức giảm tỷ lê hộ nghèo đạt 4,6%.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, toàn huyện có 10/10 xã đã có quy hoạch chung về xây dựng nông thôn mới; 3 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới; 10/10 xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, 100% số bản có đường xe máy đi lại thuận lợi, 53/69 bản có đường ô tô đến bản được cứng hóa; 92,5% tỷ lệ số hộ được dùng điện lưới quốc gia; toàn huyện có 73 nhà văn hóa, trong đó có 8 nhà văn hóa xã và 65/69 bản có nhà văn hóa bản.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn Hà Văn Sơn, cho hay: Huyện Nậm Nhùn tiếp tục quán triệt quan điểm lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, tận dụng mọi nguồn lực của Trung ương, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp phát huy tối đa sức mạnh của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 39 triệu đồng/người/năm.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đúng hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện đang dần được nâng lên; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; khối đại đoàn kết dân tộc giữ vững, lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và nâng cao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Bình Minh và nhóm PV, BTV