Tiến sĩ, bác sĩ Trần Song Giang, Trưởng Phòng Điều trị theo yêu cầu C9, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ về tình trạng tăng huyết áp:
Tăng huyết áp hay cao huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Đây là bệnh lý gây tổn thương tim, mạch máu, não, mắt, thận và nhiều bệnh mạn tính khác, dẫn tới nhiều biến chứng như nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, teo não, nhũn não, suy thận... hoặc để lại di chứng nguy hiểm như liệt, sa sút trí tuệ. Tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong sớm trên toàn cầu.
Ước tính năm 2025, trên thế giới có 1,25 tỷ người mắc bệnh tăng huyết áp. Tại Việt Nam, hiện nay cứ 4 người trưởng thành có 1 trường hợp bị tăng huyết áp, trong đó nhiều bệnh nhân không điều trị hoặc điều trị chưa đúng quy trình dẫn tới các biến chứng nhiều hơn.
Huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) từ 90-140 mmHg là bình thường.
Huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) từ 60-90 mmHg là bình thường.
Ví dụ: Bệnh nhân có chỉ số huyết áp 125/75 mmHg là bình thường; nếu chỉ số 165/100 mmHg là cao huyết áp.
Người bệnh nên thường xuyên đo huyết áp, trước khi đo nghỉ ngơi 5 phút, đo 2 lần/2 tay. Ngồi hoặc nằm đúng tư thế, đo ở cánh tay, máy đo để ngang tầm trái tim. Đối với người bị bệnh tim, tăng huyết áp nên đo thường xuyên, 2 đến 3 lần/ngày.
Nguyên nhân tăng huyết áp: Do di truyền, tuổi cao, béo phì, ít vận động, ăn mặn, uống nhiều rượu, hút thuốc lá, strees tâm lý, bị các bệnh lý không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, nội tiết...
Nếu người bệnh được chẩn đoán tăng huyết áp, việc điều trị phải tuân thủ theo bác sĩ chuyên khoa và theo dõi huyết áp thường xuyên. Ngoài ra, họ cần thay đổi lối sống như tăng cường vận động. Việc tập luyện, thể dục đúng cách giúp huyết áp ổn định hơn. Người bệnh cũng cần xây dựng một chế độ ăn khoa học, lành mạnh, giảm muối và các thực phẩm có nhiều chất bảo quản, hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ và bia rượu.
Trong sinh hoạt hằng ngày, người bệnh tăng huyết áp cần tránh bị nóng lạnh đột ngột, kiểm soát tình trạng strees.