Theo đại diện iPrice, iPrice và Tiki đều thống nhất rằng, trong các báo cáo về số liệu, có sai số là điều thường xuyên xảy ra, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ phương pháp luận khác nhau của các đơn vị phân tích và cung cấp dữ liệu cũng như khả năng tiếp cận dữ liệu trực tiếp hay gián tiếp (Ảnh minh họa: uplevo.com)

Như ICTnews đã đưa tin, trung tuần tháng 10/2019, “Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam” của iPrice – công cụ tìm kiếm sản phẩm và so sánh giá tại 7 thị trường ASEAN, đã cập nhật số liệu trong quý III/2019. Được iPrice thực hiện dựa trên trên dữ liệu được ghi nhận bằng công nghệ và thuật toán của SimilarWeb và App Annie cung cấp, bản đồ này định kỳ 3 tháng/lần tiến hành xếp hạng Top 50 doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam dựa trên các tiêu chí gồm lượng truy cập, lượt tải ứng dụng và số lượng người theo dõi trên mạng xã hội.

Cụ thể, trong “Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam” quý III/2019 của iPrice, website của Tiki có lượt truy cập trung bình tháng ở mức 27,1 triệu lượt gồm cả lượt truy cập từ máy tính và thiết bị di động, giảm 6,6 triệu lượt/tháng so với quý trước đó, khiến cho thứ hạng của Tiki rơi xuống thứ tư, xếp sau Shopee, Sendo và Thế Giới Di Động.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, thông tin trên một số báo, trang tin cũng như phản hồi với iPrice, đại diện Tiki khẳng định lượt truy cập vào website của họ vẫn tăng trưởng tốt và cho rằng số liệu của iPrice trong “Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam” quý III/2019 không chính xác.

Trao đổi với ICTnews về phản ứng của Tiki với số liệu sụt giảm lượng truy cập của website thương mại điện tử này trong “Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam” quý III/2019, đại diện iPrice cho biết, dữ liệu về lượng truy cập website trong “Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam” từ trước đến nay được thu thập thông qua quan hệ hợp tác với công ty SimilarWeb (similarweb.com), một đơn vị hàng đầu về đo lường lượng truy cập website.

iPrice cũng thừa nhận, cách đo lường của SimilarWeb, đúng như nhận định của Tiki, là khác với công cụ Google Analytics mà Tiki sử dụng. Nếu như Google Analytics đo chính xác bằng code gắn trực tiếp trên website thì SimilarWeb sử dụng data tổng hợp từ các nguồn độc lập, sau đó phân tích bằng thuật toán để cho ra con số ước tính gần với thực tế nhất có thể. Cách đo này tuy cho phép iPrice có được con số lưu lượng truy cập của các website mà không cần quyền truy cập trực tiếp, nhưng sẽ luôn có những sự chênh lệch nhất định so với các công cụ đo lường trực tiếp.

“Vì lý do đó, SimilarWeb luôn hướng đến việc cập nhật thuật toán liên tục để cho ra những kết quả tối ưu hơn và một trong những đợt update đó, mới diễn ra tháng 9/2019 vừa qua, đã dẫn đến những biến động lớn trong “Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam” quý III/2019, mà con số về lượng truy cập của website Tiki là một ví dụ”, đại diện iPrice lý giải.

Đồng ý với ý kiến của Tiki là công nghệ đo lường của iPrice hiện không thể đạt độ chính xác bằng các công cụ đo trực tiếp mà Tiki đang sử dụng cho website của họ, song đại diện iPrice nêu rõ: “Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam của iPrice chưa thể mang lại cái nhìn đầy đủ nhất về hoạt động kinh doanh của từng đơn vị mà hướng đến việc cung cấp cái nhìn toàn cảnh thị trường. Với vai trò là một đơn vị nghiên cứu thị trường, chúng tôi luôn mong muốn hướng đến sự trung lập và chính xác. Tuy vẫn còn nhiều hạn chế, công nghệ của SimilarWeb cung cấp hiện là lựa chọn tốt nhất cho iPrice để đạt được các mục tiêu này”.

Bên cạnh đó, đại diện iPrice cũng cho biết thêm, iPrice và Tiki đều thống nhất rằng, trong các báo cáo về số liệu, có sai số là điều thường xuyên xảy ra, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ phương pháp luận khác nhau của các đơn vị phân tích và cung cấp dữ liệu cũng như khả năng tiếp cận dữ liệu trực tiếp hay gián tiếp. Và vì thế, các báo cáo số liệu tổng quan về thị trường của một số đơn vị thông thường chỉ mang tính tham khảo.