ChatGPT đang tạm thời dừng hoạt động tại Italy. (Ảnh: Reuters)

Gần hai tuần trước, cơ quan bảo vệ dữ liệu Italia – Garante – tạm thời cấm OpenAI xử lý dữ liệu cá nhân và mở cuộc điều tra những vi phạm quyền riêng tư nếu có. Ngày 12/4, Garante vạch ra một danh sách cụ thể các yêu cầu để OpenAI đáp ứng vào cuối tháng này. Nếu làm được, ChatGPT sẽ được truy cập trở lại trong nước.

Italy là nước châu Âu đầu tiên cấm ChatGPT, tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của chatbot đã thu hút sự chú ý từ các nhà lập pháp và nhà quản lý khắp thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng cần có quy định mới để quản lý AI vì tác động của nó đến an ninh quốc gia, việc làm, giáo dục.

Trong số các yêu cầu của Italy là OpenAI phải thông báo với người dùng về “phương pháp và logic” đứng sau việc xử lý dữ liệu của ChatGPT. Garante cũng yêu cầu OpenAI cung cấp công cụ để cho phép mọi người, dù họ có dùng ChatGPT hay không, được yêu cầu hiệu chỉnh dữ liệu cá nhân không chính xác hoặc xóa dữ liệu.

OpenAI cũng nên cho phép những người không phải người dùng (non-user) dễ dàng phản đối xử lý dữ liệu cá nhân của họ để đào tạo thuật toán. Bên cạnh đó, công ty cũng cần giới thiệu hệ thống xác thực độ tuổi trước cuối tháng 9, loại trừ khả năng truy cập của người dưới 13 tuổi.

Garante sẽ tiếp tục điều tra các vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu nếu có, bảo lưu quyền áp đặt bất kỳ biện pháp nào cần thiết vào giai đoạn cuối của cuộc điều tra.

Động thái của Italy đối với ChatGPT được các nhà chức trách khác tại châu Âu theo dõi sát sao khi họ cũng đang nghiên cứu liệu có cần biện pháp khắt khe hơn để quản lý chatbot. Chẳng hạn, cơ quan bảo vệ dữ liệu Tây Ban Nha đề nghị nhà chức trách EU đánh giá các nguy cơ bảo mật xoay quanh ChatGPT.

Hồi tháng 2, Italy cấm nhà phát triển chatbot Replika sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng nước này do rủi ro với người vị thành niên và người tâm lý yếu.

(Theo Reuters)

Mỹ bắt đầu nghiên cứu quản lý ChatGPT

Mỹ bắt đầu nghiên cứu quản lý ChatGPT

Chính quyền ông Joe Biden sẽ lấy ý kiến công chúng về các biện pháp quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) tiềm năng, trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại trước tác động của công nghệ đến an ninh và giáo dục.