“Xin chào mọi người, chúng tôi đã hồi sinh”, đây là dòng trạng thái được đăng tải trên trang facebook cá nhân của anh Lê Hoàng Quân, chủ một hệ thống karaoke tại TP.HCM. Anh quá vui khi điểm kinh doanh của mình tại quận 7 chính thức mở lại từ cuối tháng 4, được thẩm định các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Trước đó, cơ sở này phải đóng cửa, ngưng hoạt động hơn 7 tháng để sửa chữa.

Tương tự, nhiều chi nhánh kinh doanh karaoke của hệ thống ICool cũng dần mở cửa từ ngày 20-21/4 tới nay. Khi biết tin các điểm kinh đoanh được hoạt động, hơn 100 nhân viên của ICool từ các tỉnh lập tức lên TP.HCM để dọn dẹp quán, chờ đón khách.

“Cả quản lý và nhân viên mừng phát khóc. Chúng tôi chờ đợi ngày này đã lâu. Để duy trì chi phí thuê mặt bằng khoảng 300 triệu đồng/tháng, chủ doanh nghiệp phải mang tài sản cá nhân đi thế chấp, vay tiền suốt thời gian qua”, đại diện cơ sở nói với PV. VietNamNet.

"Tôi và gia đình, bạn bè lại có thêm điểm tụ tập cuối tuần để hát cho nhau nghe. Mong hoạt động karaoke ổn định, tuân thủ các quy định về PCCC", anh Thế Hùng (38 tuổi) chia sẻ tại một quán hát trên đường Trần Não (TP. Thủ Đức).

Một cơ sở kinh doanh karaoke đã hoạt động lại trên đường Trần Não. (Ảnh: Trần Chung)

Karaoke mất 2-3 năm mới có thể phục hồi

Thống kê từ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) TP.HCM, địa phương này có 449 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar; đến tháng 3/2023, còn lại 396 cơ sở (36 đã cơ sở giải thể, 17 cơ sở chuyển loại hình khác).

Dẫu vậy, một số địa điểm karaoke đã được mở lại nhưng tình hình kinh doanh không khả quan. 

Theo anh Quân, lượng đặt phòng hát hiện nay chỉ từ 20-30 lượt/ngày, bằng khoảng 1/4-1/5 so với trước. Hoạt động kinh doanh còn tệ hơn cả giai đoạn karaoke được mở lại sau dịch Covid-19. Hai nguyên nhân chính khiến lượng khách đi hát sụt giảm mạnh là: tình hình kinh tế khó khăn; ngành nghề karaoke dường như đã bị xóa khỏi suy nghĩ của người dân, do đóng cửa quá lâu.

Ngoài ra, mới chỉ 1 trên 3 cơ sở của hệ thống karaoke Sinh Đôi được phép hoạt động, các vướng mắc tồn đọng tại 2 cơ sở còn lại vẫn chưa được giải quyết. Đơn vị mong muốn, nhà chức trách đẩy nhanh tốc độ giải quyết các vấn đề, giúp các điểm kinh doanh được mở cửa đồng bộ tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian này, karaoke Sinh Đôi đang phải tung ưu đãi để hút khách quay lại, giảm giá, tặng thêm voucher cho khách.

Cần nhiều thời gian để ngành kinh doanh karaoke có thể phục hồi. (Ảnh: Trần Chung)

Tương tự, để kích cầu và đón khách hát trở lại như trước, ICool cũng đưa ra chương trình hát 59.000 đồng/giờ, áp dụng trước 18h chiều từ thứ 2-5 hàng tuần.

Dù các hoạt động khuyến mại được đẩy mạnh, song ông Phạm Văn Nguyên, đại diện một đơn vị kinh doanh karaoke, dự đoán, phải mất 2-3 năm nữa thì ngành dịch vụ giải trí này mới có thể trở lại như bình thường. Hiện tại, các điểm kinh doanh đã mở đều báo doanh số giảm kỷ lục. Họ giảm nhân sự, cắt giảm chi phí, tạm dừng đầu tư mở rộng. 

Lượng khách còn 30%, số quán được mở cũng chỉ khoảng 15%. Ngoài tác động từ yếu tố kinh tế, ngành chức năng cần có động thái tháo gỡ đối với các cơ sở vẫn bị đang đình chỉ, để họ hoạt động lại bình thường, dần ổn định, theo ông Nguyên.

Ngày 11/5 tới đây, Công an TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị trao đổi, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC của một số cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn.