QCVN 06:2022 là trung bình thấp 

Tại Họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ Xây dựng, ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, qua rà soát việc soát xét và ban hành quy chuẩn 06:2020; 06:2021; 06:2022 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các quy chuẩn đều có tính kế thừa rõ ràng, các quy định có tính hệ thống và liên tục.

“Các chuyên gia nhận định, công trình nào đã đáp ứng các yêu cầu trong QC 06:2010 thì sẽ đáp ứng được các yêu cầu của QC 06:2020, 06:2021 và cả 06:2022. Quá trình ban hành các quy chuẩn, Bộ Xây dựng đều chú ý ban hành điều khoản chuyển tiếp để hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp, người dân thực hiện quy định dễ dàng, không gây khó khăn trong quá trình thực hiện” – ông Ngọc Anh nói. 

Ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường. (Ảnh: Hồng Khanh) 

Trao đổi thêm với PV VietNamNet, ông Ngọc Anh cho hay việc sửa, bổ sung để ban hành QCVN 06:2020 là dựa trên nền tảng là QCVN 06:2010 chứ không phải là xây dựng một quy chuẩn mới. Các nội dung còn giá trị của QCVN 06:2010 hiện hành nếu không gặp các vướng mắc và vẫn đang áp dụng thuận lợi trong thực tế sẽ được giữ nguyên.

Đến QCVN 06:2021 chủ yếu chỉ mở rộng phạm vi áp dụng quy chuẩn đối với nhà chung cư cao trên 75m đến 150m để phù hợp với thực tiễn phát triển đô thị. Thực chất là chỉ chuyển nội dung này từ QCVN 04:2019/BXD sang QCVN 06:2021 để thống nhất quy định về an toàn cháy cho nhà và công trình vào một quy chuẩn. Các quy định khác về cơ bản giữ nguyên. 

Nội dung QCVN 06:2022, đại diện Bộ Xây dựng nhìn nhận, có nhiều điểm mang tính tháo gỡ các quy định khó thực hiện về PCCC mà doanh nghiệp còn vướng mắc. Có thể kể đến như giảm yêu cầu về giới hạn chịu lửa đối với màn ngăn cháy, vách kính, cửa kính. 

Trong khi quy định cũ phải sử dụng màn ngăn cháy đạt EI 60; các cửa kính, vách kính phải đảm bảo giới hạn chiu lửa EI nhưng tại QCVN 06:2022 cho phép màn ngăn cháy đạt EI 60, EI 30, EI 15 (3 loại); cửa kính, vách kính chỉ yêu cầu giới hạn chịu lửa EW, dễ đạt hơn, phù hợp với các sản phẩm kính. 

Bên cạnh đó, giảm yêu cầu về bậc chịu lửa đối với nhà; giảm quy định về giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực khi trước đây, tất cả các công trình đều yêu cầu tường ngoài (kính) phải có giới hạn chịu lửa, gây khó khăn trong đầu tư xây dựng về thi công, chi phí đầu tư.

Hiện nay, QCVN 06:2022 đã có quy định cụ thể, giảm đáng kể các trường hợp yêu cầu phải có giới hạn chịu lửa. Đồng thời khi các công trình đã bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC thì không yêu cầu giới hạn chịu lửa đối với kết cấu này; giảm quy định yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC…

Hơn 8.110 công trình chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng 

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, QCVN 06:2022 có hiệu lực từ ngày 16/1, tính đến nay là khoảng 3 tháng và "chưa có công trình nào đưa vào hoạt động kể từ khi QCVN 06:2022 có hiệu lực".

Những vướng mắc ở đây chủ yếu tồn tại ở các công trình trong giai đoạn kéo dài từ năm 2001. Có những tồn tại ở công trình chưa thẩm duyệt, chưa nghiệm thu nhưng đã đưa vào sử dụng”, ông thông tin.

Dẫn thông tin từ báo cáo của Bộ Công an, ông Ngọc Anh thông tin, đến nay toàn quốc có hơn 8.110 công trình tại 51 tỉnh thành chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng (các công trình này được xây dựng trước thời điểm quy chuẩn 06:2022 có hiệu lực). 

Ông Ngọc Anh cho biết, qua tập hợp ý kiến Bộ Công an và các địa phương, khi thực hiện QCVN 06:2022 gặp một số vướng mắc như chưa thống nhất cách hiểu về điều kiện chuyển tiếp, một số thuật ngữ chuyên ngành còn khó hiểu.

Bộ Xây dựng đã có công văn 1397 ngày 11/4 gửi Cục SC PCCC&CNCH (Bộ Công an) để hướng dẫn.

Đối với các vướng mắc về nhà riêng lẻ có diện tích sàn lớn hơn 30% dùng để sản xuất, kinh doanh phải thực hiện đảm bảo yêu cầu PCCC theo quy chuẩn 06:2022. Sửa chữa, cải tạo làm thay đổi công năng của gian phòng phải thực hiện đảm bảo yêu cầu PCCC theo quy chuẩn 06:2022. Yêu cầu về cấp nước chữa cháy ngoài nhà…

Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để có phương án phù hợp.

Về phản ánh số cơ sở đủ điều kiện kiểm định về vật liệu PCCC ít, Vụ trưởng cho biết, cùng với Bộ Công an Bộ Xây dựng sẽ có chính sách để khuyến khích phát triển các phòng thử nghiệm trong đó có thử nghiệm về vật liệu chịu lửa, công khai các loại vật liệu chịu lửa đáp ứng các yêu cầu về PCCC…

Cũng theo đại diện Bộ Xây dựng, các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an đã nghiên cứu, đưa ra một số nhóm giải pháp luận chứng bổ sung, thay thế phù hợp với tính chất, đặc điểm của công trình. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để thống nhất các giải pháp xử lý phù hợp, trên nguyên tắc tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật liên quan đến PCCC.