- Một số quyết định của Chính phủ đã được ban hành nhưng đã bị thông tư của các bộ gây ách tắc - DN tố khổ trước cuộc đối thoại với Thủ tướng.
Nhiều kiến nghị cụ thể được các DN chuẩn bị để gửi đến Thủ tướng tại cuộc đối thoại trực tuyến ngày 29/4 tới, đặc biệt liên quan đến 7.000 điều kiện kinh doanh.
Khổ với thông tư
GĐ công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) Phạm Thái Bình cho biết, nếu không có bứt phá cấp bách về cơ chế chính sách ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp theo hướng tiên tiến hiện đại bền vững thì không thể cạnh tranh với các nước.
“Một số quyết định của Chính phủ đã được ban hành trong nhiều năm nhưng đã bị thông tư của các bộ gây ách tắc, cản trở cho doanh nghiệp”, ông chỉ rõ.
|
Ông Phạm Thái Bình |
Ông Bình mong muốn Chính phủ rà soát và bãi bỏ ngay những quyết định, nghị định, thông tư... mang tính chất nhóm, gây cản trở sự phát triển của nền nông nghiệp.
Ông dẫn ví dụ, Chính phủ nên khôi phục lại quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch hiện đã bị thay thế bởi quyết định số 68.
Hay Chính phủ cần sửa đổi chính sách khuyển khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, trong đó có tăng thêm chính sách ưu đãi rất cụ thể, rõ ràng để có nhiều doanh nghiệp đầu tư thực hiện quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng.
Ông Bình cũng nói đang rất trông đợi các quyết định của Thủ tướng về vấn đề trên làm thay đổi nền nông nghiệp theo hướng tiên tiến hiện đại, có giá trị gia tăng cao và bền vững.
Một con cá “cõng” 5-6 loại phí
Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (khu công nghiệp Trà Nóc 2, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) không thể tưởng tượng nổi một con cá tra mà DN này nuôi phải chịu đến 5-6 loại phí trong khi giá thức ăn cho cá lại cao ngất.
Ông Trần Văn Quang |
Ông Quang cho hay, trong việc kêu gọi đầu tư tại địa phương, chính quyền nói “trải thảm” nhưng các chính sách như vay vốn, quyền sử dụng đất… lại không phù hợp, thiếu nhất quán.
Hợp đồng ban đầu với DN thuê trong từng khung thời gian đã có giá cụ thể nhưng sau đó, giá thuê đất, hạ tầng lại bất ngờ tăng, gây khó cho các DN và không còn ai dám đầu tư.
“Chúng tôi dự kiến đầu tư bổ sung thông qua khu công nghiệp Hưng Phú và đã đóng 50% giá thuê đất. Tuy nhiên, khi xây dựng dự án thì UBND TP không cho vì ngành nghề không phù hợp. Không cho xây dựng thì phải trả tiền lại cho DN theo hợp đồng, đằng này họ kêu ra tòa giải quyết, chẳng khác gì 'đem con bỏ chợ'”, ông Quang nói.
Cảm thấy đơn độc
Là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có giá trị cao là cà phê và hồ tiêu của Việt Nam nhưng công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) đang khó khăn không vay được ngoại tệ.
Ông Lê Tiến Hùng, Tổng giám đốc công ty cho hay, thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ, theo đó kể từ ngày 1/4/2016 các DN không được phép vay USD để mua nguyên liệu hàng hóa cho xuất khẩu.
Như vậy, các DN xuất khẩu nông sản sẽ gặp khó khăn do chi phí xuất khẩu tăng vì lãi suất vay bằng VNĐ cao hơn nhiều so với lãi suất vay bằng USD. Điều này cũng làm giảm tính cạnh tranh của các DN xuất khẩu nông sản với các DN FDI.
“Chúng tôi là nhà xuất khẩu nên có thể tái tạo được nguồn thu ngoại tệ từ doanh thu xuất khẩu nên chủ động được việc vay và trả nợ bằng ngoại tệ. Trong khi đó trước đây các nhà xuất khẩu được phép vay bằng gốc ngoại tệ qui đổi ra VNĐ để mua nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu”, ông cho biết.
Theo ông, cần tiếp tục cho phép các DN xuất khẩu được vay ngoại tệ để có lãi suất cạnh tranh với các DN FDI.
“Các DN xuất khẩu nông sản rất mong muốn và hy vọng Thủ tướng sẽ xét đây là một vấn đề cấp bách để tạo điều kiện cho các nhà xuất khẩu đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nông sản, mang lại nguồn thu ngoại tệ về cho đất nước, đồng thời tiêu thụ hàng hóa cho người nông dân với giá tốt tại Tây Nguyên”, ông nói.
Ông Phạm Đông Thanh |
Ông Phạm Đông Thanh, GĐ công ty TNHH vận tải ô tô An Phước, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho hay, hiện nay, DN rất đơn độc, có khó khăn vướng mắc không biết gặp cơ quan nào để giãi bày.
Ông kiến nghị nên chăng ở mỗi tỉnh, thành phố nên thành lập một ban chuyên trách trực thuộc UBND tỉnh chuyên tiếp nhận thông tin các vướng mắc hoặc khó khăn của DN.
“Tôi tin rằng Thủ tướng sẽ làm tốt việc này để tạo ra một môi trường thuận lợi, giúp DN sinh sôi và phát triển”, ông nói.
Hoài Thanh - Trùng Dương